Tham mưu trưởng quân đội qua đời vào thời điểm 'không thể tồi tệ hơn' với Ấn Độ

Quân sựThứ Năm, 09/12/2021 12:30:00 +07:00
(VTC News) -

Cái chết đột ngột của Tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat "đến vào lúc không thể tồi tệ hơn" với Ấn Độ, theo chuyên gia.

Theo nhà phân tích chiến lược Brahma Chellaney, việc tướng Bipin Rawat qua đời “"đến vào lúc không thể tồi tệ hơn" với Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ bàng hoàng khi một trong những người lính kỳ cựu nhất nước này, Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat, qua đời vì tai nạn trực thăng hôm 8/12, khi ông đang trên đường đến thuyết giảng tại một trường quân đội ở Wellington, Tamil Nadu.

Các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, bao gồm Thủ tướng Narendra Modi, đã bày tỏ đau buồn trước thảm kịch, khi vị tướng Rawat cùng vợ và 11 người khác đều không qua khỏi.

Tham mưu trưởng quân đội qua đời vào thời điểm 'không thể tồi tệ hơn' với Ấn Độ - 1

Ông Bipin Rawat. (Ảnh: SCMP)

Theo các nhà phân tích, Tướng Rawat qua đời trong bối cảnh mâu thuẫn biên giới Trung-Ấn kéo dài đã dẫn đến căng thẳng dọc Himalaya gần đây. 

Trong suốt bốn thập kỷ phục vụ, ông Rawat đã chỉ huy các binh sĩ dọc theo Đường kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ với Trung Quốc, và ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. Trong những năm 1980, ông đã chỉ huy quân đội trong các cuộc giao tranh với lực lượng Trung Quốc.

Cái chết của ông Rawat không chỉ là mất mát với Thủ tướng Modi, người có mối quan hệ tin tưởng với ông, mà còn có thể làm suy yếu khả năng phản ứng của quân đội Ấn Độ nếu Trung Quốc có bất cứ động thái "phiêu lưu" nào ở khu vực biên giới, chuyên gia nói. 

Bên cạnh đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội quá cố cũng là một trong những người đang được giao nắm giữ trọng trách trong chương trình cải tổ quân đội nước này. 

Ông Rawat đã được đích thân Thủ tướng Modi lựa chọn để trở thành chỉ huy quân đội vào năm 2016. Ba năm sau, ông được chọn làm Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang đầu tiên, lần đầu đưa lục quân, hải quân và không quân về chung một nhà.

Hầu hết các chuyên gia quân sự Ấn Độ cũng đồng ý về sự cần thiết phải để lục quân, hải quân và không quân nhóm lại thành các bộ tác chiến ba lực lượng, thay vì tiếp tục như một loạt các bộ đơn nhiệm hoạt động trên cơ sở địa lý - chẳng hạn như Bộ Tư lệnh Lục quân phía Bắc, Bộ Tư lệnh Không quân phía Tây, Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam.

Rawat được giao nhiệm vụ loại bỏ sự phân tách rối chức năng này và tập hợp ba lực lượng lại thành các bộ tư lệnh tổng hợp, mỗi đơn vị kiểm soát tất cả bộ phận lục quân, hải quân và không quân cần để thực hiện các hoạt động chiến đấu.

Như một biện pháp thử nghiệm, một bộ tư lệnh ba lực lượng tích hợp đã được thiết lập ở Ấn Độ Dương, gọi là bộ tư lệnh Andaman và Nicobar (ANC). Nhưng thử nghiệm này chưa được mở rộng ở nơi khác.

Mô hình các bộ tư lệnh tổng hợp về lực lượng, phân tán về địa lý đã được quân đội Mỹ tạo ra trong nhiệm vụ sau Thế chiến II. Năm 1947, Washington thành lập 5 bộ tư lệnh tác chiến địa lý (như Bộ Tư lệnh Trung tâm, Bộ Tư lệnh Châu Phi và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), bao trùm toàn cầu. Quân đội Mỹ cũng thành lập 4 bộ tư lệnh chiến đấu chức năng, chịu trách nhiệm khác nhau về các hoạt động đặc biệt, lực lượng chiến lược, vận tải và chiến tranh mạng.

Vào năm 2016, Ấn Độ theo dõi quân đội Trung Quốc sao chép mô hình này, tổ chức lại 7 "quân khu" và ba "hạm đội hải quân" thành năm "bộ tư lệnh chiến khu chung", mỗi bộ chứa các yếu tố từ cả ba quân chủng. Thành công của Trung Quốc trong sáng kiến này đã khiến các nhà cải cách quân sự Ấn Độ tăng cường kêu gọi thực hiện các bước để tích hợp, liên kết chỉ huy ba lực lượng.

Theo chuyên gia, dù Rawat qua đời khi đang trên đường đi thuyết trình cho các sĩ quan của mình về sự cần thiết và phương pháp luận, để tích hợp dân sự-quân sự và tạo ra sức mạnh tổng hợp ba lực lượng, cái chết đột ngột của ông sẽ không làm dừng lại quá trình cải cách này trong quân đội Ấn Độ.

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn