Selvi Susanti, một người sống sót sau thảm họa kể lại những điều kỳ lạ xảy ra trong thảm họa động đất, sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người. Đầu tiên mặt đất đột ngột sụt xuống, sau đó cô nhìn thấy đường đi nứt ra và cô cố gắng bám vào một tấm gỗ để lội qua dòng bùn đang cuốn theo gần như mọi thứ tại nơi cô sống.
Nhiều người giống như Susanti, tại làng Petobo, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất, sóng thần, không biết khu vực họ đang sống đã được chính phủ khoanh vùng là có nguy cơ cao xảy ra hiện tượng địa chất hủy diệt.
Nhưng nhà khoa học Indonesia Gegar Prasetya không ngạc nhiên vì ông đã cảnh báo người dân trong nhiều năm rằng khu vực xung quanh vịnh Palu, đảo Sulawesi, Indonesia từng gặp thảm họa trước đây và có khả năng cao sẽ xảy ra sóng thần, động đất, sạt lở đất và đất hóa lỏng.
Ông Presetya, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu sóng thần Indonesia, đã gặp các quan chức chính phủ và người dân trong khu vực để cố gắng nâng cao nhận thức về mối đe dọa này. “Như tôi từng lo lắng. Nó thực sự đã xảy ra” – ông nói.
Với thảm họa ngày 28/9, các nhà khoa học trên thế giới cũng chưa lý giải được nguyên nhân tại sao loại động đất này – động đất lỗi trượt (strike-slip fault) – loại thường không gây ra sóng thần nguy hiểm – lại có thể tạo ra những con sóng cao đến 6 m tấn công đất liền, ông Presetya chia sẻ.
Ông Presetya đã xuất bản một nghiên cứu gần hai thập niên trước, nhấn mạnh 6 trận sóng thần khác được ghi lại ở eo biển Makassar, dự đoán một sự kiện tương tự có thể lặp lại sau mỗi 25 năm. Trận sóng thần cuối cùng xảy ra ở khu vực phía Bắc thành phố năm 1996. Trước đó, vịnh Palu năm 1968 bị một trận động đất mạnh 7,4 độ richter tấn công, gây sóng thần cao đến 10 m. “Cả một ngôi làng bị cuốn ra biển. Bạn có thể thấy cành cây trên ngọn sóng” – nhà khoa học nói về sự kiện năm 1968.
Video: Sóng thần khủng khiếp tấn công đảo Sulawesi sau động đất
Một số chuyên gia đặt giả thuyết rằng trận động đất ngày 28/9 không trực tiếp gây ra sóng lớn dù nông và gần bờ. Họ tin rằng đất mềm ở khu vực là yếu tố chính gây ra thảm họa. Rung chấn dài và mạnh mẽ có khả năng đã gây ra một hoặc nhiều vết nứt dưới đáy biển. Chuyển động nứt gãy đột ngột này có thể đã tạo ra bức tường nước khổng lồ từ đại dương bị nén vào khu vực vịnh hẹp dài tại Palu, khiến sóng dâng cao hơn.
“Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu bạn thả một viên gạch xuống vũng nước nông – nước sẽ bắn ra khắp mọi nơi. Giờ thả viên gạch đó vào bồn tắm. Sóng có thể dội lên thành và trở nên lớn hơn theo hướng chiều dài của bồn tắm” – nhà địa chất Robert Hall tại Đại học Royal Holloway London cho biết.
Nhưng không chỉ do trầm tích yếu ở đại dương mở đường cho thảm họa. Đất ẩm, xốp bị hóa lỏng trở nên nguy hiểm hơn ở những khu vực có động đất mạnh. Mặt đất gần như mất sức nâng đỡ và trở thành bùn nhão dưới chân mọi người, tạo ra một thứ giống như cát lún, khiến nhà cửa, xe cộ, đường phố và cả người có thể bị nuốt chửng. Không ai lường được các yếu tố nguy cơ nhất lại xảy ra cùng một lúc.
Ông Prasetya cùng hải quân Indonesia sẽ bắt đầu làm việc tại hiện trường để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra, cùng với một đội chuyên gia quốc tế sắp đến khảo sát khu vực.
Video: Indonesia dốc mọi nguồn lực tìm kiếm nạn nhân thảm họa kép
Bên cạnh đó, dân số Palu bùng nổ ở nhiều khu vực nguy cơ sau sự kiện 1968 khiến 200 người thiệt mạng và biến đất thành bùn ở nhiều nơi. Nhiều người mới đến không có thông tin về lịch sử địa phương nơi họ ở.
Cơ quan chính phủ Indonesia năm 2012 đã làm một bản đồ xác định phần lớn khu vực Palu, thành phố với 380.000 người, là nơi hiện tượng đất hóa lỏng có thể xảy ra. Khu vực Petobo cũng được phân loại là có nguy cơ cao. Báo cáo khuyến nghị các công trình nhà cửa và khu công nghiệp nên xây dựng ở những nơi có nguy cơ thấp, bên cạnh đó những biện pháp hạn chế cũng được đưa ra như xây nhà với móng sâu trên đất cứng hơn.
Quy hoạch tốt là chìa khóa để cứu sống nhiều người, Sri Hidayati, phụ trách giảm thiểu thảm họa động đất tại Cơ quan địa chất thuộc Bộ Năng lượng Indonesia cho biết. Bà nói nhiệm vụ của cơ quan là tạo ra bản đồ, nhưng có sử dụng hay không lại phụ thuộc vào chính quyền địa phương.
“Nếu tất cả mọi thứ trong tương lai được lên kế hoạch dựa trên điều này, tôi nghĩ chúng ta sẽ chỉ phải chịu số thương vong nhỏ trong trường hợp thảm họa tương tự xảy ra lần nữa. Hoặc thậm chí không có thương vong.” – bà nói.
Tại một cuộc họp báo ở Jakarta ngày 8/10, người đứng đầu cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia xác nhận các khu vực đất mềm ở Palu không phù hợp để xây nhà. Những người vẫn sống ở những khu vực này sẽ được chuyển đi nơi khác.
Ông Prasetya ủng hộ ý tưởng đóng cửa những khu vực nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng chống – như tạo ra mã xây dựng ở khu vực nguy cơ cao hoặc di chuyển mọi người đến nơi an toàn hơn – trước khi một thảm họa khác xảy ra.
Bình luận