Trận động đất ban đầu bắt nguồn từ một đứt gãy kéo dài 18 km bên dưới bề mặt đất liền. Tâm chấn nông nên trận động đất tạo ra rung chuyển dữ dội, ảnh hưởng đến các khu vực cách tâm chấn hàng trăm km. Sau trận động đất đầu tiên khoảng 9 giờ là trận động đất mạnh 7,5 độ richter, và hàng trăm dư chấn.
Các nhà khoa học tại các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới—bao gồm cả NASA— đã bắt đầu xử lý và phân tích dữ liệu vệ tinh liên quan đến sự kiện này.
Eric Fielding, nhà địa vật lý tại NASA, cho biết: “Đây là trận động đất rất lớn, phá vỡ toàn bộ bề mặt và các đoạn đứt gãy dài. Điều này tạo ra rung chuyển cực mạnh trên khu vực rất rộng lớn, tấn công nhiều thành phố và thị trấn đông người. Độ dài và cường độ vết nứt tương tự như trận động đất năm 1906 đã phá hủy San Francisco".
Bản đồ thiệt hại sơ bộ cho thấy một phần của các thành phố Türkoğlu, Kahramanmaraş và Nurdaği, với các pixel màu đỏ đậm biểu thị các khu vực có khả năng bị hư hại nghiêm trọng đối với các tòa nhà, cơ sở hạ tầng hoặc làm thay đổi cảnh quan, trong khi các khu vực màu cam và màu vàng bị hư hại vừa phải hoặc một phần. Mỗi pixel có kích thước khoảng 30 mét (bằng sân bóng chày).
Bản đồ được lấy từ dữ liệu do PALSAR-2 thu thập trên Vệ tinh quan sát mặt đất tiên tiến-2 (ALOS-2) vào ngày 8/2/2023. Vệ tinh này sử dụng một radar, một cảm biến gửi các xung vi sóng về phía bề mặt Trái đất và dựa vào phản xạ của những sóng đó để lập bản đồ cảnh quan, bao gồm cả các tòa nhà. Bằng cách so sánh dữ liệu ngày 8/2 với các quan sát của cùng một vệ tinh trước trận động đất (vào ngày 7/4/2021 và ngày 6/4/2022), các nhà khoa học đã theo dõi những thay đổi và bắt đầu xác định các khu vực bị hư hại.
“Bản đồ chỉ bao gồm phần trung tâm của khu vực bị ảnh hưởng với dải dữ liệu chùm tia mịn ALOS-2 hẹp, dài 70 km được sử dụng, khu vực bao gồm các tâm chấn của cả trận động đất chính mạnh 7,8 độ và dư chấn 7,5 độ”, ông Fielding nói. “Lưu ý rằng khoảng thời gian giữa các dữ liệu ALOS-2 cách nhau tới một năm, vì vậy độ chính xác của bản đồ có thể thấp hơn ở các khu vực có thảm thực vật như ở vùng núi, do sự thay đổi theo mùa”.
NASA cũng đang trong quá trình chia sẻ bản đồ và dữ liệu với các tổ chức như Bộ Ngoại giao Mỹ, Ủy ban An toàn Địa chấn California, Tổ chức Cứu trợ Thảm họa Toàn cầu Miyamoto và Ngân hàng Thế giới, nhằm đánh giá nhu cầu của các bên liên quan trong khu vực và hỗ trợ các nỗ lực đánh giá rủi ro và phục hồi.
Shanna McClain, người quản lý chương trình cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự kiện này. Ngoài việc lập bản đồ thiệt hại ở mức độ có thể từ vệ tinh, chúng tôi đang sử dụng vệ tinh để theo dõi các nguy cơ lở đất gia tăng, mất điện và thời tiết có thể gây ra những thách thức cho các nỗ lực ứng phó".
Bình luận