• Zalo

Thảm họa bùn quặng bauxite ở Hungary đã được báo trước

Thế giớiThứ Ba, 26/10/2010 02:26:00 +07:00Google News

(VTC News) - Từ thảm họa tại Hungary, nhiều quốc gia đã, đang và sẽ khai thác bauxite cũng nhận thấy một bài học là không thể không thận trọng...

(VTC News) - Ngày 4/10/2010 vừa qua đã xảy ra một thảm họa công nghiệp cực kỳ nghiêm trọng tại Hungary khi một một con đập chứa bùn đỏ (sản phẩm hình thành trong quá trình chế biến quặng bauxite) gặp sự cố vỡ bờ.

Hậu quả là hơn 1 triệu mét khối bùn chứa nhiều hóa chất độc hại đã tràn ra ngoài, tác động đến một khu vực dân cư rộng lớn. 3 tỉnh, 3 con sông lớn trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Hungary.

Bùn đỏ do vỡ đập gây ngập lụt nghiêm trọng tại Hungary đầu tháng 10/2010. 

 


Có một điều đáng lưu ý là thảm họa tồi tệ này đã được các nhà khoa học, những chuyên gia hoạt động vì môi trường cảnh báo trước nhiều năm, đặc biệt là những mối nguy hiểm bắt nguồn từ cung cách khai thác, xử lý và tích trữ chất thải bùn đỏ.

Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi đập chứa bùn đỏ ở  Hungary bị vỡ, rất nhiều ngôi làng đã bị nhấn chìm trong một thứ bùn nhầy chứa nhiều hóa chất độc hại như chì và các chất ăn mòn hóa học.

Hậu quả tức thời của thảm họa trên đã được nhà chức trách địa phương xử lý cơ bản, tuy nhiên ảnh hưởng và những thiệt hại lâu dài đến môi sinh và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân xung quanh khu vực trên thì chưa thể một sớm một chiều mà khắc phục được.

Trước khi thảm họa trên xảy ra 7 năm (2003), một nhóm hoạt động vì môi trường có tên “Clean Air Working Party” đã đưa ra những lời cảnh báo đầy nghiêm túc đối với chính quyền đương nhiệm Hungary về hoạt động khai thác, chế biến và tích trữ bùn đỏ - sản phẩm sau chế biến quặng bauxite của nhà máy bauxite Ajka, thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL).

Nhóm “Clean Air Working Party” đã chỉ ra rằng có khoảng 30 triệu tấn rác thải sản sinh ra từ quá trình chế biến quặng bauxite đã quá thời hạn phải được xử lý an toàn, đồng thời cảnh báo rằng những đập chứa bùn đỏ này đang trong tình trạng sập xệ, có thể vỡ, sập bất cứ lúc nào.

Những cảnh báo trên đã không được chính phủ Hungary quan tâm thích đáng và cuối cùng thảm họa không mong đợ đã xảy ra với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


Các chuyên gia hoạt động về môi trường cũng đã từng lên tiếng cảnh báo chính quyền Hungary rằng, ngay cả khi thảm họa vỡ đập bùn đỏ không xảy ra thì ảnh hưởng của các đập chứa rác thải quặng bauxite ngoài trời này cũng đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và môi trường các khu vực lân cận.

Nhóm “Clean Air Working Party” cho biết trong quá trình tích trữ bùn đỏ ở các đập chứa ngoài trời, nhiệt độ, gió cũng khiến hóa chất bốc hơi, phát tán tác động đến không khí, môi trường của hàng ngàn hộ dân xung quanh các khu vực nói trên.

Hungary có tổng cộng 4 đập chứa rác quặng bauxite. Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài Hungary thì cả 4 đập chứa này đề đã, đang đe dọa, gây ô nhiễm các con sông và khu vực lân cận.

Bùn đỏ được sản sinh ra trong quá trình chiết xuất nhôm từ quặng bauxite. Quá trình này đòi hỏi sử dụng rất nhiều các loại hóa chất có tính kiềm (pH), kim loại nặng và đăc biệt là axit nồng độ cao cùng nhiều chất độc hại đối với môi sinh khác.

Chính vì vậy, khi loại bùn này tràn ra ngoài, ảnh hưởng tức thời và lâu dài của nó tới môi trường và cuộc sống của con người là rất nguy hiểm. Mỗi tấn nhôm được chiết xuất ra từ quặng bauxite sẽ có theo 2 tấn bùn đỏ được thải ra. Mỗi năm Hungary sản xuất được  khoảng 600.000 đến 700.000 tấn nhôm.


Tại một số nước có nền công nghiệp tiên tiến như Mỹ, Australia, bùn đỏ được thải ra, tích trữ và tái xử lý để tái sử dụng, đặc biệt là các loại hóa chất tính kiềm chứa trong bùn đỏ sẽ được phân tách để dung lại, tránh lãng phí, hạn chế được nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Các chuyên gia của Mỹ và Australia đã thừa nhận rằng bùn đỏ bị tràn tại Hungary có chứa rất nhiều hóa chất độc hại với nồng độ kiềm rất cao. Điều này khác hẳn với bùn quặng bauxite được tích trữ, chưa xử lý tại các nhà máy khai thác của Mỹ và Australia.

Theo một báo cáo dự tính được nhóm “Clean Air Working Party” đưa ra trong khi thông tin cảnh báo chính quyền Hungary,  để chi phí cho quá trình tích trữ, xử lý một tấn bùn đỏ sẽ phải bỏ ra từ 50 đến 100 ngàn forint (tiền tệ Hungary), tương đương từ 200 đến 400 Euro.

Tuy vậy, ngay tại thời điểm đó không có những cam kết ràng buộc thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL) phải xử lý bùn đỏ sau khai thác, chế biến quặng bauxite.

Có một điều đáng chê trách chính quyền Hungary là việc sau khi thảm họa vỡ đập chứa bùn đỏ xảy ra tại khu vực tây bắc nước này, Bộ y tế công cộng Hungary đã ra thông báo nói rằng bùn đỏ gây ngập lụt không chứa chất độc. Thông báo này được công bố dựa trên những kết quả đo đạc, tính toán hóa học từ năm 1987.

Kết quả đo bằng phương pháo cũ đã không phản ánh đúng nồng độ kiềm thực tế có chứa trong loại bùn đỏ gây ngập lụt ngày 4/10/2010. (Kết quả đo bằng phương pháp năm 1987 cho thấy bùn đỏ ngày 4/10/2010 có “chỉ số mũ” là 11.8 pH, trong khi đó phương pháp năm 2009 lại cho kết quả “chỉ số mũ” là 13.5 pH, cao hơn rất nhiều).


Kết quả điều tra của Viện hàn lâm khoa học Hungary (MTA) cũng trái ngược hẳn với kết quả đo đạc của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace). Trong khi  MTA khẳng định là bùn đỏ ngày 4/10/2010 không chứa chất độc, kim loại nặng thì các kỹ thuật viên của Greenpeace lại phát hiện được thạch tín (axit arsenic), crôm, thủy ngân trong các mẫu nghiệm lấy tại Kolontar.

Ngay sau đó, Viện hàn lâm khoa học Hungary đã “chữa cháy” rằng những mẫu nghiệm của họ không lấy trực tiếp từ bùn đỏ mả chỉ lấy trong nước, thậm chí nơi lấy mẫu xét nghiệm không phải ở Kolontar mà là một nơi nào đó?!.

Hậu quả từ thảm họa vỡ đập bùn đỏ vẫn đang được nhà chức trách Hungary giải quyết bằng nhiều biện pháp nhưng ảnh hưởng của nó sẽ còn gây tác hại lâu dài đối đời sống và môi trường tại khu vực này.

Từ thảm kịch trên tại Hungary, nhiều quốc gia đã, đang và sẽ khai thác bauxite trên thế giới cũng đã nhận thấy được một bài học là không thể không cân nhắc, xem xét thật thận trọng những kiến nghị, băn khoăn của các nhà khoa học, chuyên gia, những người có tâm huyết với lợi ích quốc gia, dân tộc trong các dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng mang chiến lược.

Dự án khai thác và chế biến quặng bauxite trên địa bàn Tây Nguyên của Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Quốc hội đang cân nhắc kỹ lưỡng mọi kiến nghị, kế hoạch, phương án về việc khai thác, chế biến, xử lý nguồn nguyên liệu quý giá này, để sao cho vừa khai thác hiệu quả, không thiệt thòi và trên hết là yếu tố an toàn với môi trường, môi sinh.

Bình Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn