Từ năm 2002, huyện Chư Prông và Kông Chro (Gia Lai) đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 49 công trình cấp nước cho các buôn, làng thiếu nước sinh hoạt tại các xã của huyện. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, nhiều công trình đang bị hoang hóa, gây lãng phí.
Tốn tiền tỷ xây dựng rồi bỏ hoang hàng loạt
Theo thiết kế, các công trình cấp nước sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân của hai huyện Chư Prông và Kông Chro, trong đó đa phần là tại các buôn, làng có bà con người dân tộc thiểu số sinh sống, vốn còn rất nhiều khó khăn.
Song điều đáng nói là, tuy bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhưng chỉ sau vài năm sử dụng, nhiều công trình trong số này hư hỏng và bị bỏ hoang, có công trình chỉ hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.
Thống kê, đánh giá mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho thấy, trong tổng số 49 công trình cấp nước tập trung của hai huyện thì số công trình hoạt động bền vững và bình thường là 31; hoạt động kém hiệu quả và ngưng hoạt động là 18 công trình (chiếm tới 39%).
Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) được xây dựng từ năm 2007, do huyện làm chủ đầu tư với số vốn là 1,28 tỷ đồng, tới thời điểm hiện tại đang bị bỏ hoang.
Còn ở xã Đăk Sông (huyện Kông Chro) có hai công trình là công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Krăk- Blà- Kchăng (2007) với số vốn đầu tư là 733 triệu đồng và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy Kliết- H’ôn- Kte (2009) với số vốn đầu tư 1.27 tỷ đồng. Hiện nay, cả hai đều hư hỏng nghiêm trọng, đang chờ sửa chữa.
Theo quan sát, máy bơm nước bị cháy, automat hỏng, dây điện theo đường dẫn ống mục nát. Đường ống chính bị rò rỉ, đường ống dẫn nước về các hộ bị vỡ do lâu năm, đồng hồ rỉ sét, không vận hành được nên bị tháo dỡ. Sau một số lần sửa chữa nhưng không hiệu quả, chính quyền dường như "bó tay", khiến công trình bị bỏ hoang chỉ sau vài năm sử dụng. Người dân trong làng phải đào giếng hoặc đi lấy nước ở các con suối về sử dụng, dù biết không đảm bảo vệ sinh.
Anh Jơ Châm Bê (45 tuổi, người dân tộc Jrai), sống tại xã Ia Boong, huyện Chư Prông, nói: “Từ ngày có công trình cấp nước, chúng tôi không còn phải đi ra suối xa lấy nước. Tuy nhiên chỉ sau vài năm sử dụng thì hư hỏng, cũng có vài lần thấy sửa chữa nhưng rồi kết quả vẫn là ngưng hoạt động, chúng tôi chỉ còn biết chờ chính quyền quan tâm, sửa chữa để dân lại có nước sạch”.
Chính quyền nói gì?
Báo cáo về nguyên nhân hàng loạt công trình cấp nước ở Gia Lai hư hỏng, văn bản của các cấp chính quyền như UBND huyện Chư Prông và Kông Chro, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cho biết, nguyên nhân chính là do yếu tố khách quan. Cụ thể, hầu hết các công trình nước tự chảy đều tận dụng nguồn nước mặt ở các khe suối, hệ thống đường ống dẫn nước đi qua địa hình phức tạp nên thường bị hư hỏng trong mùa mưa lũ.
Một số công trình được đầu tư và đưa vào sử dụng thời gian dài thì hệ thống đường ống và bể chứa bị xuống cấp, hư hỏng liên tục, gây nên nhiều khó khăn cho công tác sửa chữa, khắc phục. Có công trình được đầu tư từ lâu, đến nay do thay đổi về địa hình, khí hậu nên có hiện tượng hụt nước vào mùa khô.
Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác sử dụng công trình chưa được quan tâm đúng mức, hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Các hộ dân cũng chưa có trách nhiệm cao trong việc sử dụng, quản lý tài sản chung khiến tình trạng hư hỏng tái diễn liên tục.
Đại diện lãnh đạo các xã của hai huyện Chư Prông và Kông Chro cho biết, có báo cáo lên UBND huyện nhờ hỗ trợ, huyện cũng lên kế hoạch dự kiến sửa chữa, nhưng thời điểm khi nào thì vẫn chưa rõ.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông - cho biết: “Trên cơ sở phân cấp quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn, theo Quyết định số 23/2014/QĐ- UBND, ngày 4/12/2014, UBND huyện Chư Prông giao công trình cấp nước cho UBND các xã trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên công trình hư hỏng chưa được sửa chữa. Sắp tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiến hành khảo sát các công trình này. Sau khi tham khảo dự trù kinh phí, cân đối với nguồn vốn, sẽ thực hiện duy tu, sửa chữa và thanh lý sao cho phù hợp”.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro - cũng cho biết: “Vì nhiều lý do như mạch nước nguồn yếu, ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều công trình hư hỏng và hoạt động kém. Những hư hỏng nhỏ thì sửa chữa thường xuyên, còn hư hỏng nặng cần số vốn lớn thì huyện sẽ đưa vào kế hoạch duy tu trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, giai đoạn 2016-2020 sẽ ưu tiên những công trình hư hỏng nặng hơn. Huyện sẽ đầu tư 5 tỷ đồng để sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng ở hai xã Đăk Sông và Đăk Tpang”.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng có văn bản đề nghị UBND hai huyện rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án xử lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn; Yêu cầu hằng năm phải tổ chức lập và bố trí ngân sách huyện để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.
Bên cạnh đó, xem xét, thanh lý các công trình ngừng hoạt động, hoạt động kém mà việc khắc phục sửa chữa không hiệu quả hoặc người dân không còn nhu cầu sử dụng nước từ công trình đó.
Bình luận