Trên giường bệnh tại bệnh viện Shifa của thành phố Gaza, Aya Aloul, 25 tuổi nhớ lại khoảnh khắc cha mình, ông Moeen - một trong số ít bác sỹ thần kinh của Gaza qua đời sau đòn không kích của quân đội Israel.
Nhà của Aloul tại khu phố Rimal trúng bom, cô và bố mẹ đều bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Mẹ và Aloul may mắn được cứu sống, nhưng bố cô không thể qua khỏi.
Cùng ngày, bác sỹ Ayman Abu al-Auf - trưởng khoa nội của bệnh viện Shifa và là người đứng đầu cơ quan ứng phó với COVID-19 của bệnh viện cũng thiệt mạng.
Ông bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà bị quân đội Israel không kích trên phố al-Wehda.
Ashraf Al Qidra - phát ngôn viên của Bộ Y tế Gaza khẳng định sự ra đi của ông Abu al-Auf là mất mát không nhỏ với bệnh viện. Ông Abu al-Auf cũng là người chịu trách nhiệm đào tạo các bác sĩ mới tại bệnh viện.
"Nguồn lực của chúng tôi đã bị cạn kiệt trong suốt một năm qua do dịch bệnh. Giờ các đòn tấn công này tiêu hao đáng kể năng lực hạn chế của chúng tôi. Hệ thống y tế của chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm trong vài ngày tới nếu điều này tiếp tục diễn ra", ông này cho hay.
Các cơ sở y tế ở Gaza đang phải căng sức trên hai mặt trận: đối phó với sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 và điều trị cho số lượng tăng vọt các nạn nhân trong các vụ không kích của Israel.
Bạo lực giữa Israel và Hamas tại Gaza từ đầu tuần trước khiến gần 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, số mắc COVID-19 tại khu vực này tăng vọt thời gian gần đây nâng tổng số ca bệnh lên hơn 100.000 trường hợp.
Cách đây vài tuần, phòng mổ của các bệnh viện được hoán cải thành khu vực chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Nhưng vài ngày trở lại đây, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 lại được chuyển thành đơn vị chăm sóc đặc biệt cho nạn nhân của cuộc xung đột.
Bản thân các bệnh viện cũng bị thiệt hại nghiêm trọng sau các đòn tấn công từ Tel Aviv.
Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, bốn bệnh viện do Bộ Y tế Gaza điều hành, hai bệnh viện do các tổ chức phi chính phủ quản lý, hai phòng khám, một trung tâm tế bị hư hại do trúng bom.
Một số nhân viên cấp cứu mô tả bạo lực những ngày qua khủng khiếp hơn rất nhiều so với cuộc giao tranh kéo dài 50 ngày 7 năm trước.
"Tôi chưa từng thấy mức độ tàn phá như vậy trong suốt 14 năm công tác của mình, ngay cả trong cuộc chiến năm 2014”, Samir al-Khatib, một quan chức cứu hộ khẩn cấp ở Gaza cho biết.
Ngay trước khi giao tranh nổ ra đầu tuần trước, điều phối viên y tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), Tiến sĩ Natalie Thurtle cảnh báo mối nguy mà hệ thống y tế vốn đã cạn kiệt của Gaza.
"14 năm Israel phong tỏa Gaza đồng nghĩa với việc hệ thống y tế ở đây thiếu hụt nhiều trang thiết bị cần thiết để điều trị cho người dân ngay cả trong thời điểm bình thường", ông Thurtle cho hay.
Israel từng cáo buộc Hamas sử dụng các cơ sở y tế làm vỏ bọc cho các hoạt động của mình. Theo Guardian, nhiều tay súng của các nhóm chiến binh vẫn thường tới các bệnh viện dân sự để điều trị.
Các tổ chức nhân đạo cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi cả Israel và phong trào Hamas kiềm chế, tôn trọng các yêu cầu y tế khẩn cấp của người dân Gaza.
“Các nhân viên y tế đã kiệt sức. Các cơ sở y tế được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế và cần được cả hai bên tôn trọng", phát ngôn viên của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế kêu gọi.
Bình luận