Hành trình khám phá một trong những bộ lạc du mục chăn nuôi tuần lộc cuối cùng trên thế giới thật không dễ dàng, nhưng là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với bản thân tôi. Từ Ulanbator - Thủ đô của Mông Cổ, chúng tôi chuẩn bị kĩ càng, từ hành lý, lương thực, thuốc men trước khi tiến vào thảo nguyên bao la, rộng lớn.
Loài tuần lộc quen khí hậu lạnh nên những người chăn nuôi phải di chuyển liên tục trong khu rừng Taiga rộng lớn. Bạn hướng dẫn viên liên tục tìm cách liên lạc để biết họ sẽ di chuyển đến địa điểm nào để đưa chúng tôi đến.
Ngoài con đường cao tốc kết nối các thành phố lớn, còn lại các ngôi làng, khu dân cư hầu hết đều không có đường và chỉ dẫn. Những người lái xe cứ như vậy tiến thẳng vào thảo nguyên, dùng kinh nghiệm và trí nhớ của bản thân để tìm địa điểm mình muốn đến.
Ròng rã hơn 1.200km, chúng tôi cũng đến được khu bảo tồn rừng Taiga trong thung lũng Darkhad rộng lớn. Một vùng đất tươi đẹp nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt, mọi thứ đều thiếu thốn, từ điện, nước, đồ ăn. Hầu hết các gia đình sống ở đây đều tự cung tự cấp bằng các đàn gia súc họ chăn nuôi.
Chúng tôi phải đăng kí trước với khu bảo tồn, rồi đi sâu vào trong thung lũng để gặp gia đình người kỵ sĩ đang chăn nuôi và thuần hóa ngựa. Để vào được sâu trong rừng, đến với gia đình nuôi tuần lộc, chỉ có thể di chuyển bằng ngựa.
Cả nhóm mất một giờ để mặc đồ bảo hộ và làm quen với các chú ngựa. Mặc dù đã được thuần hóa, nhưng các bạn hướng dẫn viên và các nài ngựa vẫn rất cẩn thận, luôn nhắc nhở chúng tôi cách kìm dây cương, hay cách thúc lũ ngựa di chuyển. Để đảm bảo an toàn, ngoài hai hướng dẫn viên của chúng tôi còn thêm hai người trong gia đình kỵ sĩ đi theo để bảo đảm an toàn cho cả nhóm.
Dù lúc đầu, tôi có chút lo sợ khi leo lên lưng ngựa, nhưng những chú ngựa được thuần hóa vô cùng thông minh. Chúng hầu như tự tìm những con đường an toàn nhất để di chuyển. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là điều khiển các chú ngựa đi theo đoàn, đúng tốc độ, không cố phi nước đại hay thúc chúng tiến lên phía trước khi gặp đoạn đường khó như những con suối, những đầm lầy hay những đoạn phải leo dốc cao.
Cảnh sắc tuyệt đẹp tại khu bảo tồn rừng Taiga trong thung lũng Darkhad. (Ảnh: Tuấn Đào)
Cảnh sắc thay đổi theo những dấu chân ngựa, từ những thảo nguyên, đồng cỏ cho đến những con suối, những đầm lầy, những khu rừng rộng lớn. Lần đầu tiên trong hành trình chúng tôi cảm thấy phấn khích, háo hức, cũng như hồi hộp đến vậy.
Có những con suối khá sâu và nước chảy xiết, những chú ngựa vẫn nhẹ nhàng đi qua, hay những đầm lầy sâu đến gần 1m, chúng vẫn hiên ngang bước tới. Có những con dốc cao và dựng đứng, trơn trượt, nhưng bằng một cách nào đó, chúng vẫn có thể tiến lên phía trước trước sự thở phào của chúng tôi.
Chúng tôi cứ tiếp tục đi như thế suốt 6 giờ đồng hồ. Khi tôi đã bắt đầu ê ẩm và mệt nhoài vì cuộc hành trình dài vào sâu trong rừng, thì một vùng đất rộng lớn hiện ra trước mắt, một hồ nước trong xanh hiện ra giữa rừng, xa xa là những dãy núi phủ đầy tuyết. Ở bờ bên kia hồ là hai túp lều nằm nép trong khu rừng. Chúng tôi biết rằng đã đến nơi. Hành trình lần theo gia đình du mục chăn nuôi tuần lộc đã có kết quả.
Tại khu rừng này chỉ còn khoảng 50 gia đình thuộc bộ lạc Tsaatan - bộ lạc cuối cùng ở Mông Cổ chăn nuôi tuần lộc với khoảng hơn 3.000 con, sống rải rác trên hai ngọn núi Đông và Tây Taiga. Thiếu thốn đủ thứ, không điện, không nước máy, không tiện nghi, con cái không được học hành.
Phải có tình yêu với tuần lộc cũng như cuộc sống du mục như thế nào, họ mới có thể bám trụ được nơi đây. Ngày ngày, họ sống giữa thiên nhiên hoang dã, ngủ trong những chiếc lều nhỏ với vài vật dụng cá nhân đơn giản.
Cuộc sống du mục luôn di chuyển và thời tiết lạnh giá khiến họ khó có thể trồng trọt hay kiếm được nguồn thực phẩm nào khác. Hầu như mọi thứ đều trông chờ vào đàn tuần lộc.
Công cuộc chăn nuôi cũng hết sức vất vả, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể để lại hậu quả khôn lường. Mùa đông năm trước, họ đã mất hàng chục con tuần lộc sau một vụ tuyết lở. Chính phủ đã cố gắng hỗ trợ các gia đình một số tiền để giúp họ trang trải cuộc sống, cũng như giữ lại được nghề truyền thống lâu đời hàng nghìn năm nay của bộ tộc.
Chúng tôi được mời vào lều và được gia đình Bayanmonkh – gia đình người nuôi tuần lộc mời thưởng thức món sữa tuần lộc và bánh mì họ tự làm. Trên chiếc lò sưởi là những dây thịt cừu khô làm thức ăn hàng ngày.
Trong lều chỉ có một hai thùng gỗ đựng đồ, vài tấm chăn, vài cái xoong chảo và một số vật dụng cá nhân thiết yếu để dễ bề mang vác khi di chuyển. Để có điện, họ phải dùng năng lượng mặt trời sạc vào những bình ắc quy, và nếu muốn gọi điện liên lạc với thế giới bên ngoài, họ phải mắc ăng ten treo ngoài cây cao.
Đàn tuần lộc đang lang thang gặm cỏ trong khu rừng. (Ảnh: Tuấn Đào)
Khi tôi còn đang thưởng thức món sữa tuần lộc, bạn tour guide ra hiệu cho tôi ra bên ngoài lều và chỉ vào vạt rừng gần đó. Nhìn kỹ lại, tôi mới nhận ra trước mắt là một con tuần lộc với bộ lông trắng muốt như tuyết đang gặm cỏ dưới nắng chiều.
Tiếp theo sau là một con khác với bộ lông màu xám tro cũng tiến lại gần với bộ sừng cứng cáp được bọc nhung đặc trưng. Một khung cảnh tuyệt đẹp khiến tất cả chúng tôi ngẩn ngơ. Vậy là mong ước lớn nhất trong chuyến hành trình đã thành hiện thực. Mọi mệt mỏi, lo lắng của chúng tôi biến mất, chỉ còn lại niềm hân hoan và sung sướng.
Chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn đàn tuần lộc đang lang thang gặm cỏ trong khu rừng cho đến khi một cô bé người Mông Cổ dắt chúng tôi ra sau khu lều. Nơi đó đang có một chú tuần lộc non mới sinh, lông trắng muốt và vẫn chưa có sừng. Nhiệm vụ của cô bé là chăm cho chú tuần lộc non này.
Vào cuối ngày, tôi cùng mọi người trong đoàn nô đùa với những em bé. Chúng hồn nhiên và đáng yêu với đôi má đỏ ửng vì lạnh, cùng chơi trò ném bóng, dù quả bóng đã khâu chằng chịt vì rách. Cuộc sống khó khăn cũng không ngăn được niềm vui của lũ trẻ.
Trời bắt đầu tối, nhiệt độ hạ xuống thấp. Gia đình Bayanmonkh sắp xếp cho cả nhóm ngủ trong chiếc lều thứ 3 mới dựng lên trước đó.
Bình luận