Từng là nhân vật đình đám trên chính trường Trung Quốc, con đường chính trị của Bạc Hy Lai gặp bước ngoặt sau khi cấp dưới thân tín là Vương Lập Quân đột nhiên tìm đến lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn chính trị vào tháng 2/2012.
Thời điểm đó, ông Bạc Hy Lai đang làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh và người đến lãnh sự quán Mỹ cầu cứu là Vương Lập Quân, giám đốc Sở cảnh sát thành phố.
Sau hơn 1 năm điều tra, xét xử, đến tháng 9/2013, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh nhận án chung thân với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Thái tử Đảng
Là con của cựu Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba, một trong số "Bát đại nguyên lão", ông Bạc Hy Lai được xem là một "Thái tử Đảng" - những người là con hoặc có quan hệ thân thiết với các lãnh đạo - điển hình của Trung Quốc.
Sinh năm 1949, đến năm 1976, Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc, cha Bạc Hy Lai được minh oan và làm Phó Thủ tướng Trung Quốc.
Lúc này, dưới sự sắp xếp của cha, Bạc Hy Lai vào học tại khoa lịch sử trường Đại học Bắc Kinh, chỉ sau hơn một năm đã trở thành nghiên cứu sinh thạc sĩ Học viện khoa học xã hội Trung Quốc.
Tháng 9/1979 Bạc Hy Lai kết hôn với Lý Đan Vũ, con gái của Lý Tuyết Phong, cựu Bí thư Bắc Kinh, thành viên Ủy ban cố vấn Trung ương Trung Quốc. Nhưng đến năm 1984, Bạc Hy Lai ly hôn với Lý Đơn Vũ do giữa hai người tồn tại nhiều khác biệt bất chấp người vợ đầu nhiều lần không đồng ý vì muốn giữ thể diện cho gia đình.
Sau khi Bạc Hy Lai ly hôn với Lý Đơn Vũ, ông Bạc Nhất Ba đã ra mặt và se duyên cho Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai. Tháng 12/1987, hai vợ chồng Bạc – Cốc sinh được con trai tên là Bạc Qua Qua.
Ngôi sao đang lên
Trước khi bị điều tra, Bạc Hy Lai từng gây dựng nên hình ảnh một "ngôi sao đang lên" trên chính trường Trung Quốc. Từ lúc còn làm chủ tịch thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh cho đến khi làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai biến mình thành một chính trị gia cởi mở và có uy tín trên truyền thông.
So với Đại Liên bây giờ, ít ai biết vào năm 1993, khi Bạc Hy Lai rời vị trí phó chủ tịch huyện Kim tới nhậm chức, nơi đây không khác nào một mớ hỗn độn. Liêu Ninh khi đó tưởng như đã bị lãng quên, trong khi làn sóng cải cách kinh tế và mở cửa đang tràn qua những tỉnh thành khác của đất nước.
Video: Bạc Hy Lai ở tòa
Trước bối cảnh ấy, Bạc Hy Lai đã hạ quyết tâm sẽ xóa hình ảnh Đại Liên như một thành phố bẩn thỉu và cố gắng biến câu châm ngôn "Đại Liên xinh đẹp" của mình thành hiện thực. Không dừng tại đó, Bạc Hy Lai còn tăng tỷ lệ rác thải được xử lý như một phần của chiến dịch làm sạch 40 con sông từng bị ô nhiễm nghiêm trọng trong thành phố.
Nhờ các thành công ấy, thành phố Đại Liên nhận được một giải thưởng từ Liên Hợp Quốc vì giúp cải thiện điều kiện sống cho người dân. Bạc Hy Lai còn được biết tới như một chủ tịch luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và độc đáo.
Khi Đại Liên trở thành một hiện tượng của Trung Quốc, lãnh đạo ở các địa phương khác bắt đầu học tập một số chính sách của Bạc Hy Lai.
Là con trai của phó thủ tướng Bạc Nhất Ba, nhà lãnh đạo cấp tiến và có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc, quan lộ của Bạc Hy Lai khá thuận lợi. Từ vị trí chủ tịch thành phố Đại Liên, ông được cất nhắc lên vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và giành một trong số 25 ghế của Bộ Chính trị. Sau đó ông nhận chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh, một thành phố lớn của Trung Quốc với 30 triệu dân.
Kể từ khi được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy năm 2007, Bạc Hy Lai đưa thành phố Trùng Khánh vươn lên thành một trong những đô thị có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở Trung Quốc. Ông ta gây dựng được trong lòng người dân Trùng Khánh hình ảnh một lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả.
Trong thời gian làm Bí thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã gây dựng các phong trào hát nhạc cách mạng qua đó tập hợp quần chúng. Ông cũng mạnh tay truy quét các băng đảng tội phạm và doanh nghiệp bất minh.
Ngoài ra, Bạc Hy Lai thực hiện các chính sách dân túy như xây nhà cho người thu nhập thấp, và quan tâm đến đơi sống của tầng lớp dân nghèo. Việc này gây những quan điểm trái chiều, một bên cho rằng Bạc Hy Lai lạm dụng quyền lực và làm sống lại những tư tưởng đã bị cho là lạc hậu và bên kia ca ngợi rằng ông đang xây dựng xã hội trong sạch chân chính.
Khi đó, Bạc Hy Lai trở thành một ứng cử viên sáng giá cho những vị trí lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ ông không bao giờ nghĩ rằng mối quan hệ của ông với Neil Heywood - giáo viên tiếng Anh quen biết khi giữ chức chủ tịch thành phố Đại Liên trong thập niên 90 - lại góp phần tạo nên bước ngoặt thê thảm trong sự nghiệp của ông.
Vụt tắt
Cái chết của Heywood vào tháng 11/2011 là khởi đầu cho quá trình xuống dốc thê thảm trong sự nghiệp của Bạc Hy Lai. Sau cái chết của doanh nhân Anh, cánh tay phải của Bạc Hy Lai khi đó là Vương Lập Quân, Giám đốc công an Trùng Khánh, phó Chủ tịch thành phố bắt đầu điều tra vì nghi ngờ có sự liên quan đến Cốc Khai Lai, vợ của Bí thư Bạc.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn nảy sinh vào ngày 28/1/2012, khi Vương Lập Quân báo cáo tình hình của Cốc Khai Lai với Bạc Hy Lai. Giám đốc công an Trùng Khánh khi đó nhận một cái tát như trời giáng từ Bí thư Bạc Hy Lai và quan hệ đổ vỡ hoàn toàn.
Đến 6/2/2012, do lo sợ bị diệt đầu mối, Vương Lập Quân đã mang theo một số tài liệu cơ mật vào xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô gây ra chấn động trong chính trường cả Trung Quốc và Mỹ.
Đến ngày 15/3/2012, Bạc Hy Lai bị cách chức cùng với nhiều đồn đoán về việc Vương Lập Quân đã đưa ra nhiều chứng cứ tố cáo lãnh đạo cũ của mình. Đến 10/4/2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra quyết định đình chỉ chức vụ Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị đối với ông Bạc Hy Lai và xác nhận vợ ông là bà Cốc Khai Lai bị tình nghi trong vụ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood.
Sau đó, Trung Quốc mở cuộc điều tra với những hành động vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Bạc Hy Lai. Ông bị khai trừ khỏi Đảng vào tháng 9/2012, bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội vào tháng 10/2012 và bị điều tra hình sự từ ngày 27/10/2012.
Quá trình điều tra này kéo dài đến tháng 7/2013, Bạc Hy Lai bị buộc tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong thời gian còn đảm trách các cương vị cao trong Đảng và Chính phủ trước khi đem ra xét xử vào tháng 8/2013.
Trong khi đó, bà Cốc Khai Lai bị đem ra xét xử từ tháng 8/2012. Ngày 8/8/2012, Cốc Khai Lai bình thản nhận tội giết Neil Heywood và nhận án tử hình vào ngày 20/8/2012.
Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai bắt đầu từ 22/8/2013, đến 26/8/2013 phiên tòa chuyển sang tranh luận kín và mãi tới 22/9/2013 Tòa án Nhân dân trung cấp Tế Nam tuyên án chung thân cho Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, vì ông này phạm các tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Mặc dù sau đó Bạc Hy Lai có kháng án nhưng tòa án phúc thẩm tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bác đơn kháng án tù chung thân của ông.
Cuối cùng, Tòa án trung cấp thành phố Tế Nam chính thức tuyên án chung thân đối với ông Bạc Hy Lai, ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản và tước quyền chính trị suốt đời của của ông. Theo bản án, cựu Bí thư Trùng Khánh phải chịu án chung thân cho tội hối lộ, 15 năm cho tội danh tham ô, 7 năm cho tội lạm quyền.
Bình luận