Chăm sóc người cao tuổi: Thách thức lớn của toàn xã hội
Thái Nguyên hiện đang có gần 143.000 người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số toàn tỉnh. Hiện nay, số lượng người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang ngày càng có xu hướng tăng nhanh, dẫn đến sự già hóa dân số. Mặc dù vậy, toàn tỉnh lại chưa có trung tâm chăm sóc sức khỏe đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu được nuôi dưỡng, chăm sóc của người cao tuổi, hệ thống y tế lão khoa ở các tuyến còn chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu và đội ngũ cán bộ y tế chưa hoạt động đúng chuyên môn để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi.
Trong khi đó, nhu cầu được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ngày càng lớn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Với tốc độ phát triển của xã hội ngày nay, nhiều gia đình sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để người cao tuổi trong nhà có thể được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh một cách tốt nhất.
Điều này thúc đẩy nhu cầu cần phải xây dựng những trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi với chất lượng dịch vụ đảm bảo, đáp ứng nhu cầu chuyên môn đó là chăm sóc và khám chữa những bệnh đặc trưng của người cao tuổi, đồng thời là nơi họ có thể sinh sống, giao lưu và trò chuyện với những người cao tuổi khác.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh với mật độ dân số cao, tập trung nhiều người cao tuổi và nhu cầu người cao tuổi cần có sự chăm sóc là rất lớn.
“Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, việc xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung”, ông Mác cho biết.
Do vậy, Thái Nguyên đã xây dựng đề án Dự án Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại xã Phúc Xuân – nơi được đánh giá là có hệ thống giao thông thuận tiện, không khí trong lành, gần địa điểm du lịch nổi tiếng, được trang bị cơ sở hạ tầng thiết yếu, rất phù hợp để người cao tuổi sinh sống.
Dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích 4ha, vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng theo mô hình mới hoàn toàn đó là nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
Thêm chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo
Bên cạnh nhóm người cao tuổi, nhóm người thuộc hộ nghèo đa chiều cũng thuộc nhóm cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Thái Nguyên có 1.361 người thuộc hộ nghèo đa chiều. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế của nhóm này vẫn còn rất khó khăn do mới chỉ được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT), thay vì 100% mức đóng BHYT như đối với hộ nghèo thiều hụt về tiêu chí BHYT.
Trong khi đó, những người thuộc hộ nghèo đa chiều, thực chất là thuộc nhóm hộ cận nghèo và là những người khó khăn nhất trong nhóm này.
Do vậy, nhằm giúp đỡ những người thuộc hộ nghèo đa chiều có cơ hội được tiếp cận toàn diện các dịch vụ y tế và được hưởng chính sách bảo hiểm, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định trích số tiền kết dư từ kinh phí khám, chữa bệnh các năm trước để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho 574 người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác (không thiếu hụt BHYT).
Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 125 triệu đồng. Nếu được phê duyệt, sang năm 2019 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ căn cứ ngân sách địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đây là một tin mừng đối với những người thuộc hộ nghèo đa chiều. Kể từ năm 2019, những người thuộc hộ cận nghèo mà chưa được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT sẽ được hỗ trợ toàn diện. Chính sách này góp phần tạo sự công bằng, không có khác biệt trong thực hiện mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác với các nhóm đối tượng thuộc diện khó khăn khác, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2020 duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100% và 98,5% trở lên dân số tham gia BHYT.
Bình luận