Mặc dù Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên đã ra một kết luận nêu rất rõ về việc huyện Phú Thương đã vượt quá mức quy định được giao về hợp đồng ngành giáo dục lên tới 199 người nhưng những người liên quan đến việc “ký thừa” này chỉ bị... kiểm điểm sâu sắc.
Ký thừa vượt chỉ tiêu được giao
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước phát hành tháng 12/2016, trong giai đoạn 2011-2015, UBND huyện Phú Lương đã ký vượt định mức được giao ngành giáo dục 269 trường hợp.
Điều này dẫn đến số giáo viên thực tế cao hơn định mức quy định tại 74% số trường tiểu học (20 trường) và 100% số trường Trung học cơ sở (THCS) (17 trường).
Từ việc ký hợp đồng vượt ngưỡng này mà ngân sách cũng phải gánh vác một quỹ lương quá lớn cho những chỉ tiêu vượt mức này. Để gánh vác cho việc trả lương này mà nhiều hạ mục như mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng đã bị cắt giảm...
Cũng theo kết quả kiểm toán thì huyện Phú Lương còn bố trí tăng 12 biên chế sự nghiệp làm nhiệm vụ Quản lý nhà nước (QLNN) tại Phòng Giáo dục và Đào tạo; sử dụng kinh phí sự nghiệp để chi nhiệm vụ QLNN, dẫn đến giảm hiệu quả tổng chi hoạt động thường xuyên của cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Quá trình tìm hiểu thông tin cho thấy, năm 2016, Sở Nội vụ Tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Đoàn thanh tra về tổ chức, bộ máy, sử dụng và quản lý biên chế, hợp đồng lao động ngành Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND huyện Phú Lương. Kết quả cho thấy, huyện Phú Lương đã vượt so với định mức 199. Đây là kết quả được nêu rất rõ trong văn bản số 35/SNV-KL của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên.
Ký đi ngược chủ trương chung
Trong những năm gần đây, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã có chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 17/4/2015, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó nêu rõ: “Những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đạt được một số kết quả quan trọng”.Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cũng đã nêu rõ: “Kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Video: Bí thư, chủ tịch Vĩnh Phúc bị yêu cầu kiểm điểm
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế là do: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện”.
Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Mặc dù việc ký hợp đồng vượt định mức của huyện Phú Lương đã đi ngược chủ trương chung và ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách nhưng việc xử lý khuyết điểm này chỉ ở mức... kiểm điểm sâu sắc. Chính từ vấn đề này mà dư luận đặt câu hỏi về những “chủ trương” có phần khác lạ đã và đang diễn ra tại huyện Phú Lương trong những năm qua.
Bình luận