Thái Nguyên huy động gần 24 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Kinh tếThứ Ba, 18/09/2018 16:41:00 +07:00

Tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh Thái Nguyên đã huy động được hơn 23,6 nghìn tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Trong đó, vốn ngân sách từ Trung ương hơn 450 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 1.800 tỷ đồng, vốn từ các chương trình, dự án khác trên 625 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng trên 1.600 tỷ đồng, vốn vay tín dụng phát triển sản xuất từ ngân hàng trên 19.000 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để các địa phương chủ động bố trí các nguồn lực và huy động vốn đối ứng của nhân dân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

Đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 1.640km đường giao thông các loại; trên 170 kênh mương; gần 150 trạm biến áp; gần 190km đường dây điện; 522 nhà văn hoá, 500 phòng học…

IMG_5607-123

Xã Na Mao (Đại Từ) xây dựng Nhà văn hóa xã với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng; đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, sát với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Chương trình được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội.

Cùng với đó, mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như tiến độ giải ngân các nguồn vốn và công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng Đề án Nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 ở một số xã còn chậm; một số xã chưa tìm ra phương án khả thi để giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo; việc thành lập hợp tác xã ở một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động không cao…

123(52)

Đường giao thông liên xóm (xã Hóa Trung - Đồng Hỷ). 

Như vậy, để đạt được mục đích cuối cùng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới là tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh vai trò của các địa phương đó là cần thực hiện tốt các tiêu chí đề ra, tránh chạy theo thành tích.

“Đối với một số tiêu chí khó, các địa phương, ngành liên quan cần đề xuất giải pháp cụ thể với tỉnh, đặc biệt là với 11 xã bổ sung về đích mà chưa được cấp kinh phí. Đồng chí giao Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm làm việc với bộ chủ quản xin ứng vốn cho Chương trình để phân bổ cho các xã được bổ sung đạt chuẩn năm nay”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đã có 68/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt được là 15,27 tiêu chí/xã. Trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, phấn đấu đạt mục tiêu có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên, xây dựng 9 xã và 9 xóm nông thôn mới kiểu mẫu; tăng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt trên 17 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn, tăng thu nhập bình quân đầu người năm 2019 lên 32 triệu đồng/năm và năm 2020 đạt 36 triệu đồng/năm.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn