Nền công nghiệp bứt phá, tăng tốc
Là một trong những tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - vùng kinh tế nghèo và khó khăn nhất Việt Nam nhưng Thái Nguyên đã và đang mạnh mẽ “tiên phong” trong ngành công nghiệp nước nhà.
Từ nửa cuối thế kỷ 20, người ta vẫn thường nhắc tới cụm từ “công nhân Gang Thép Thái Nguyên”. Khắp những thôn quê, ngõ xóm của miền Bắc, không thôn nào không có người đi công nhân ở khu công nghiệp (KCN) Gang Thép. Khu Gang Thép ngày ấy được coi như cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp nước ta. Trong ký ức xen lẫn tự hào và vinh dự của những cán bộ, công nhân gang thép, đây là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép, cán thép, mở ra một khởi đầu mới cho ngành công nghiệp Thái Nguyên nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Sau KCN Gang Thép, hàng loạt KCN khác mọc lên như: KCN Sông Công, KCN Yên Bình, KCN Phú Bình, KCN Quyết Thắng,... Tính đến thời điểm cuối năm 2010, Thái Nguyên đã có 18 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 620 ha (6,2 km²), trong đó diện tích đất công nghiệp là 407,6 ha (4,076 km²).
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời nhận định: Ba năm trở lại đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỉnh áp dụng cơ chế một cửa liên thông nên thời gian đăng ký thành lập DN xuống dưới hai ngày, thời gian nhận quyết định đầu tư cho dự án xuống dưới 25 ngày; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu xuống còn dưới 24 ngày, giảm nhiều so với quy định của pháp luật. Ngành thuế và hải quan áp dụng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, cho nên doanh nghiệp giảm được rất nhiều thời gian cho việc này.
Tính đến giữa năm 2018, tỉnh đã thu hút 869 dự án, trong đó có 740 dự án đầu tư trong nước, với số vốn hơn 146 nghìn tỷ đồng và 129 dự án FDI, nâng số vốn đầu tư nước ngoài lên hơn 7,3 tỷ USD. Từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào tháng 7/2018 đến nay, tỉnh đã thu hút được hơn 60 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng.
Điểm đến của những nhà đầu tư lớn
Thái Nguyên có hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có bảy trường đại học và hàng chục trường cao đẳng dạy nghề, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Nhân dân trong tỉnh cũng đồng thuận, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Với tinh thần và nhiệt huyết, quyết tâm thu hút đầu tư, tỉnh đã cung cấp đủ mặt bằng để xây dựng nhà máy, hạ tầng đồng bộ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Sở hữu những lợi thế và tiềm năng và phát triển công nghiệp như vậy, không khó để lý giải vì sao những “ông lớn” như Sam Sung, Masan lại chọn Thái Nguyên để “gửi vàng”.
Sam Sung đã đầu tư gần 7 tỷ USD vào Thái Nguyên để xây dựng tổ hợp sản xuất điện thoại di động và hàng chục nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ. Hằng năm, Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 70 nghìn lao động tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Với tổng số vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Masan đã đầu tư khai thác, chế biến von-fram tại mỏ Núi Pháo. Lần thu hút đầu tư này có thể coi là bước tiến tương đối lớn với kinh tế tỉnh Thái Nguyên. Với việc khai thác, chế biến von-fram ngay tại mỏ Núi Pháo (huyện Ðại Từ), Tập đoàn Masan trở thành nhà cung cấp các sản phẩm chế biến sâu von-fram lớn nhất ngoài Trung Quốc, chiếm 36% thị phần thế giới, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, hằng năm đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng cho tỉnh Thái Nguyên.
Song song với phát huy tiềm lực kinh tế nhằm giữ chân và khai thác nhiều hơn từ các nhà đầu tư cũ, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng hơn trong xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên, kịp thời có các giải pháp cụ thể giúp đẩy mạnh thu hút FDI vào các lĩnh vực ưu tiên. Với tất cả những nỗ lực ấy, Thái Nguyên đã sẵn sàng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong những năm tới.
Bình luận