Theo thông tin từ một số địa phương, hiện nay tình trạng doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động lớn tuổi để chấm dứt hợp đồng lao động đang nổi lên. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng chưa có việc người lao động trên 35 tuổi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc sớm.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Thọ cho rằng, doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận, muốn thải loại người lao động cao tuổi ra khỏi bộ máy để tiếp nhận những lao động mới nhanh nhẹn hơn.
Như chúng ta biết, đối với người lao động cao tuổi, việc cập nhật những cải tiến, quy trình làm việc mới sẽ khó khăn hơn. Chủ sở hữu lao động vì mục đích lợi nhuận nên đã thỏa thuận sẽ trợ cấp cho người lao động thêm một khoản nào đó để họ nghỉ việc. Tuy nhiên, cũng theo ông Thọ, tình trạng này có xuất hiện những cũng chưa tăng đến mức quan ngại.
Tình trạng thải loại lao động trên 35 tuổi là có thật
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động chia sẻ, tình trạng doanh nghiệp thải loại người lao động sau 35 tuổi là có thật.
Tại nhiều khu công nghiệp, thời gian lao động của công nhân chỉ trong khoảng 6,7 năm, số lao động từ 35 tuổi trở lên rất ít. Khu vực có doanh nghiệp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động chủ yếu là những nơi có điều kiện lao động không tốt, cường độ lao động cao.
Sau tuổi 35, sức khỏe người lao động trở nên kém dần, không đủ nhanh nhạy, linh hoạt để hiểu được những cải tiến về khoa học, công nghệ, áp dụng vào tăng năng suất lao động.
Trong khi đó, chi phí về BHXH, tiền lương vẫn ở mức cao, do đó doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp để đẩy người lao động ra khỏi doanh nghiệp, trong đó có biện pháp thỏa thuận chi cho người lao động một khoản tiền cao hơn số tiền mà họ phải bỏ ra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, chính sách an sinh xã hội của cả nước và chính sách việc làm bền vững.
Hầu hết những người bị buộc thôi việc, họ ra khỏi doanh nghiệp nhưng rất khó tìm được công việc mới ở những khu vực có quan hệ lao động. Do vậy, họ lại quay về khu vực không có quan hệ lao động, không tham gia BHXH nữa và chỉ nhận trợ cấp một lần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà còn lãng phí nguồn lao động lớn.
Tìm kiếm giải pháp
Về giải pháp, ông Thọ cho rằng, một mình ngành BHXH không thể làm gì được mà phải đòi hỏi những chính sách vĩ mô của nhà nước. Ví dụ như hiện tại, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang có nội dung chi trả cho việc hỗ trợ đào tạo người lao động chuyển nghề, nhằm khắc phục tình trạng người lao động bị đào thải do không thích ứng được với những cải tiến về quy trình làm việc mới.
Tuy nhiên, nội dung chi trả vẫn chưa có do nhiều lý do như điều kiện để doanh nghiệp được hưởng các khoản hỗ trợ đó vẫn còn khá ngặt nghèo , nhà nước chưa có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ lại lao động lớn tuổi…
Theo ý kiến của ông Quảng, pháp luật cần phải xem xét để có những sửa đổi hướng đến việc làm bền vững, mặc dù điều này rất khó bởi quy định về lao động được xây dựng trên bối cảnh cơ chế thị trường, tạo cơ chế linh hoạt và tự nguyện chứ không ép buộc.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, muốn giải quyết triệt để việc này cần phải có sự hợp tác từ phía người lao động. Nhiều người lao động thấy cái lợi trước mắt như được doanh nghiệp trả một khoản tiền lớn để thỏa thuận nghỉ việc liền đồng ý.
Ông Quảng cho rằng, phía BHXH cũng cần phải có trách nhiệm hơn trong việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát để làm sao tất cả doanh nghiệp đang xảy ra tình trạng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, thải loại lao động bị xử lý kịp thời.
Bình luận