Nhiều cổ động viên đang rất phẫn nộ trước thông tin đội tuyển Thái Lan từng xem thường Ấn Độ tới mức... từ chối đá giao hữu vì cho rằng đối thủ quá yếu. Dẫu vậy, với những ai biết tham vọng và hướng đi của "Voi chiến" từ trước sẽ thấy, đây là điều rất... bình thường.
Thái Lan xem thường cả AFF Cup - giải đấu có những Việt Nam, Philippines còn xếp trên họ, thì xem thường Ấn Độ âu cũng không khó hiểu với tầm nhìn của thầy trò HLV Milovan Rajevac hiện tại.
Khi HLV Kiatisak đưa Thái Lan lên đỉnh Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup thứ hai liên tiếp, truyền thông nước này và các quan chức đã đưa ra bình luận khiếm nhã, rằng với Kiatisak, bóng đá Thái Lan chỉ đi được đến vị trí này. Tham vọng của Thái Lan cũng giống nhiều đội mạnh khác ở châu Á: hướng tới World Cup. Khi Thái Lan đến làm khách trên sân Mỹ Đình, cổ động viên của "Voi chiến" đã mang biểu ngữ "World Cup không phải giấc mơ" đến để thị uy sức mạnh.
Quả thật, Thái Lan khi ấy mạnh vượt trội so với các đối thủ trong khu vực. Họ áp đảo ở số lần vô địch AFF Cup, SEA Games, vượt Iraq ở vòng loại World Cup và có quyền mơ mộng đến những tham vọng lớn hơn. Khi người Thái nghĩ xa hơn, họ cũng nghĩ một HLV ở tầm đẳng cấp hơn sẽ thay Kiatisak giúp đội tuyển "hóa rồng". Nhưng rất tiếc, mọi hy vọng của Thái Lan đang dần biến thành ảo vọng với hai sai lầm.
Thứ nhất, muốn thăng tiến và trở thành "ông lớn" châu Á, thay HLV thôi là không đủ. Người giỏi chưa chắc đã hay bằng người phù hợp. Thái Lan từng mất AFF Cup 2008 và có giai đoạn chìm trong khủng hoảng khi HLV Peter Reid - người có kinh nghiệm làm việc ở ban huấn luyện Everton, Stoke City về nắm quyền.
Khi sức mạnh tổng lực của bóng đá Thái Lan chưa thể nâng tầm để đối đầu với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia,... việc thay HLV một cách vội vã chưa chắc đã là "thuốc tiên". Những thất bại bẽ bàng ở AFF Cup lẫn loạt trận giao hữu cho thấy Thái Lan chưa sẵn sàng thay đổi.
Thứ hai, những cánh én đơn độc chưa chắc đã làm nên mùa xuân. Thái Lan biện minh cho thất bại ở AFF Cup bằng sự thiếu vắng của Kawin Thamsatchanan, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan hay Chanathip Songkrasin, song khi 3/4 cái tên kể trên trở lại, Thái Lan vẫn thua, thậm chí thua bẽ mặt trong trận đấu bị Ấn Độ lấn lướt gần như toàn diện. Người Thái cho rằng những trụ cột kể trên đã vượt tầm Đông Nam Á và khi bước ra biển lớn, chỉ cần những ngôi sao kể trên là đủ để "Voi chiến" định hình sức mạnh.
Tư duy ấy, cộng với tâm lý coi thường đối thủ khiến Thái Lan thua không kịp vuốt mặt. Những sai lầm ngớ ngẩn ở hàng phòng ngự cộng thế công bế tắc, đơn điệu cho thấy thầy trò HLV Rajevac đã chuẩn bị rất sơ sài cho trận này, không nghiên cứu kỹ sức mạnh của Ấn Độ để tìm ra phương án hóa giải. Thái Lan gần như "phó mặc" cho bộ đôi Chanathip - Dangda, và khi cả hai bị phong tỏa, "Voi chiến" không tìm được đường vào khung thành.
Ở Asian Cup vốn tồn tại nhiều bất ngờ như Jordan quật ngã Australia hay Bahrain suýt thắng chủ nhà UAE, việc nghiên cứu đối thủ là rất quan trọng.
Ở bảng D, Yemen dẫu là đội bóng yếu nhất và đang chịu cảnh chia rẽ do chiến tranh, song cũng thuê hẳn một chuyên gia phân tích đối thủ để hy vọng tìm kiếm nhiều hơn cơ hội chiến thắng. Còn với Thái Lan, màn trình diễn tối qua đã cho thấy câu trả lời.
Tất nhiên, vội vã đánh giá nền bóng đá Thái Lan chỉ sau một thất bại là không đủ. "Voi chiến" vẫn còn cơ hội đi tiếp (dù không nhiều), vấn đề là họ có kịp gượng dậy hay không. HLV Rajevac đã bị sa thải, nhưng "trảm tướng" chỉ là biện pháp sau cuối khi Thái Lan đã mắc một loạt sai lầm từ trước đó. Người Thái đang nhớ Kiatisak, dù vậy, họ nên nhớ nhiều hơn đến sự khiêm tốn từng có - yếu tố giúp Thái Lan từng bước tạo dựng tên tuổi ở đấu trường khu vực.
>>> Đọc thêm: Thái Lan là đội Đông Nam Á thảm bại nặng nề nhất tại Asian Cup
Bình luận