• Zalo

Thái Lan đón 'triều đại' Yingluck: Tin ở hoa hồng

Thế giớiThứ Năm, 07/07/2011 11:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tương lai nào cho Thái Lan - đó là mối quan tâm hàng đầu của các chính trị gia cũng như người dân Thái sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7.

(VTC News) - Một quan sát viên chính trị của Thái Lan cho biết, chiến thắng quyết định của bà Yingluck Shinawatra và Đảng Pheu Thai là “một cú đánh mạnh” vào thể chế chính trị của Thái Lan và trên thực tế sẽ đảm bảo sự ổn định hiện tại cho quốc gia này.

Nhìn lại cuộc bầu cử vừa qua, ông Roberto Herrera-Lim, Giám đốc Công ty Tư vấn và Nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định, thực tế là anh trai của bà Yingluck – Thaksin, cựu Thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, hiện vẫn đang được nhiều người dân tin tưởng và cuộc chiến bầu cử sẽ là ván bài nguy hiểm.

Những tháng tiếp theo cũng sẽ là thời gian để quân đội Thái Lan đánh giá lại chiến lược và nhìn nhận sự hậu thuẫn của bà Yingluck chỉ là tạm thời hay sẽ dài lâu.

Ưu tiên của bà Yingluck trong thời gian tới sẽ là xây dựng một liên minh an toàn - gia tăng số ghế trong Hạ viên Quốc hội từ hơn 260 lên khoảng 300, sau đó chỉ định các bộ trưởng nội các và thiết lập quốc hội.

Bà Yingluck khẳng định sẽ không "sử dụng điều gì đặc biệt" để giúp đỡ anh trai Thaksin 

Nữ Thủ tướng Thái tương lai, người mà ông Thaksin gọi là “bản sao” của mình, đã gửi đi tín hiệu rằng cuộc bầu cử không vì bản thân ông Thaksin. Khi được hỏi về cơ hội ân xá cho anh trai mình trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, bà Yingluck nói: “Tôi không thể làm bất cứ điều gì đặc biệt cho anh trai tôi”. Với bà, bảo đảm “mỗi bước đi đều tuân thủ các quy định của pháp luật” sẽ là một trong những nhiệm vụ chính sau khi đắc cử.

Cựu Thủ tướng Thaksin cũng đã bác bỏ việc quay trở lại Thái Lan trong thời điểm hiện tại, đồng thời cho biết: “Trở lại Thái Lan không phải là mối quan tâm của tôi. Với tôi, ưu tiên hàng đầu là mang lại hòa giải cho dân tộc”.

Trước đó, quân đội cũng đã bác bỏ việc tái diễn đảo chính trong trường hợp đảng Pheu Thai giành chiến thắng. Ông Herrera-Lim nói: “Hiện tại, tất cả mọi người đang cố gắng thực thi đúng pháp luật nhằm tránh gây ra xung đột chính trị”.

Trong khi đó, ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Quốc tế học tại Đại học Chulalongkorn Bangkok lạc quan nhận định, cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí tự do và công bằng đánh dấu “thắng lợi trong việc phát triển nền dân chủ ở châu Á”: "Chúng ta cũng từng chứng kiến diễn biến bầu cử tương tự trong thập niên trước ở Thái Lan. Trong tất cả các cuộc bầu cử những năm 2001, 2005, 2006, 2007 và một lần nữa vào năm 2011, đa số các cử tri đã chọn đảng của ông Thaksin."

Trước cuộc bầu cử, ông Pongsudhirak đã đề xuất một lộ trình hậu bầu cử từ ba đến sáu tháng. Trong thời gian đó, quân đội sẽ vẫn nắm giữ trọng trách, những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc biểu tình chính trị hồi năm ngoái sẽ vẫn tiếp tục được điều tra, ông Thaksin sẽ vẫn lưu vong, chính sách sẽ không có thay đổi đáng kể, và vấn đề ân xá đầy tranh cãi cho những chính trị gia bị cáo buộc dính líu tới cuộc đảo chính năm 2006 sẽ được đưa lên bàn cân. Hơn nữa, liên minh chống Thaksin sẽ phải kiềm chế và không biểu lộ phản đối rõ rệt như thời điểm ông Abhisit lên nắm quyền vào năm 2008, ông Pongsudhirak nói thêm.
 
Ông Herrera-Lim nhận định, thách thức lớn đối với bà Yingluck sẽ không phải hình thành liên minh mà chính là việc giữ cam kết trước cuộc bầu cử và đáp ứng kỳ vọng của những người đã bỏ phiếu cho đảng Pheu Thai. Bà Yingluck giành chiến thắng có thể không chỉ do tầm ảnh hưởng của anh trai bà mà còn vì sự không hài lòng của nhân dân về giá cả tăng cao.

"Nếu người dân Bangkok (thành trì của Đảng Dân chủ) ủng hộ ông Thaksin thì bà Yingluck sẽ có được chiến thắng vững chắc hơn." - Chuyên gia nghiên cứu chính trị này đánh giá.

Ông cũng cảnh báo, nếu đảng của bà Yingluck sai lầm trong tính toán đường đi nước bước thì Bangkok có thể một lần nữa trở thành trung tâm cuộc biểu tình chống Thaksin.

Thảo Nguyên
(Theo CNN)


Bình luận
vtcnews.vn