Hãng Reuters đưa tin ngày 21/1, Chính phủ Thái Lan đã áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp 60 ngày ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận từ ngày 22/1 nhằm kìm hãm phong trào biểu tình của phe đối lập vốn đã phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô để gây sức ép buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức.
Người biểu tình ở Thái Lan
Sau phiên họp nội các cùng ngày, Thứ trưởng Nội vụ Visarn Techateerawat đã công bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên.
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của Thái Lan sẽ trao cho các cơ quan an ninh nước này quyền áp đặt các lệnh giới nghiêm, bắt giữ không cần cáo trạng các đối tượng tình nghi, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập quá năm người vì mục đích chính trị và ban bố lệnh cấm nhiều khu vực trên cả nước.
Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người sẽ giám sát việc thực hiện sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, cho biết Thái Lan sẽ tuân thủ các quy tắc quốc tế.
"Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực. Chúng tôi không có chính sách để giải tán người biểu tình và chúng tôi chưa tuyên bố lệnh giới nghiêm nào", AFP dẫn lời ông nói.
Đại diện chính quyền Thái Lan nói lệnh tình trạng khẩn cấp giúp kìm hãm phong trào biểu tình
Động thái trên diễn ra sau nhiều tuần biểu tình ở Bangkok, bao gồm cả bạo lực với những cuộc tấn công và nổ súng giữa phe chống chính phủ và cảnh sát.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang phải chịu sức ép dữ dội từ người biểu tình thuộc phe bảo hoàng yêu cầu bà phải từ chức và nhường chỗ cho một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử.
Bà Yingluck kêu gọi cuộc bầu cử vào ngày 2/2 nhưng đảng đối lập tuyên bố tẩy chay bầu cử. Những người biểu tình tìm cách phá vỡ cuộc bỏ phiếu và ngăn chặn các ứng cử viên đăng ký tranh cử tại một số địa điểm ở miền Nam Thái Lan.
Bình luận