• Zalo

Thái Bình không chủ trương phát ấn Đền Trần

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 02/02/2012 09:02:00 +07:00Google News

(VTC News)- BTC Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) khẳng định không đặt vấn đề phát ấn như nhiều luồng thông tin đã đưa ra trước đó.

(VTC News) – Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều qua (1/2), ông Nguyễn Hồng Chuyên – Chủ tịch UBND Huyện Hưng Hà khẳng định, chưa bao giờ BTC Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) đặt vấn đề phát ấn như nhiều luồng thông tin đã đưa ra trước đó.

Lễ hội đền Trần tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9/2 (tức 13 đến 18 tháng Giêng ÂL) với các lễ tế, rước, bái yết, dâng hương, thi pháo đất, cờ biển, thả diều, cỗ cá...

Đền Trần (Thái Bình) 

Ông Chuyên cho biết, lễ hội này được khởi dựng lại ba năm nay và giống như một liên hoan các trò chơi, phong tục truyền thống vốn có từ lâu đời của mảnh đất. Không mở rộng nhưng lễ hội sẽ được hoàn thiện và khơi dậy những lễ hội truyền thống trong từng kỳ tổ chức.

Trong đêm khai mạc lễ hội năm nay, hoạt cảnh chèo Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần do 70 nhà hát chèo Thái Bình trình diễn sẽ giúp người xem có cái nhìn tổng quan về quá trình khởi nghiệp ở đất Hưng Hà của triều Trần. Đêm khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Thái Bình và được tổng thuật trên VTV.

 Đền Trần đã được công nhận là quần thể di tích văn hóa khảo cổ cấp quốc gia năm 1990. Năm 1997, phế tích này bắt đầu được quy hoạch tổng thể trên diện tích 24,5ha. Lãnh đạo huyện cũng cho biết, chủ trương của tỉnh là di tích hoàn thiện đến đâu sẽ đưa vào sử dụng đến đó. Từ đó tới nay, các hạng mục trong quy hoạch đã dần dần được đưa vào thực hiện.



Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua là đền Trần (Thái Bình) cũng sẽ phát ấn trong đêm khai hội, đại diện của huyện Hưng Hà khẳng định tỉnh và huyện chưa bao giờ đặt vấn đề phát ấn. Ông Chuyên giải thích: “Ấn tín thể hiện quyền lực hành chính của nhà Trần. Vì vậy, Thái Bình không xác định việc phát ấn như một sản phẩm du lịch”.

Trả lời câu hỏi liên quan tới dư luận cho rằng, Thái Bình tổ chức lễ hội đền Trần hoành tráng nhằm cạnh tranh với tỉnh Nam Định, lãnh đạo huyện Hưng Hà cho biết, tất cả những nơi trên đất nước ta tôn thờ nhà Trần, một trong những vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đều rất đáng trân trọng.

Ông Chuyên cho biết thêm: “Địa lịch sử của nơi đây đã khẳng định đây là mảnh đất khởi nghiệp của nhà Trần. Bản thân sự khác nhau về yếu tố địa lịch sử của hai nơi đã tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra, những hoạt động văn hóa dân gian ở Thái Bình cũng khác Nam Định, do đó du khách hoàn toàn có thể thấy sự khác nhau này”.

Theo thông tin từ BTC lễ hội đền Trần, năm 2011, lễ hội này đã đón hơn 15 vạn du khách. Dự đoán con số này sẽ tăng lên khoảng 20 vạn trong năm nay. Tuy nhiên, khác với sự lo ngại của dư luận về vấn nạn “chặt chém” du khách, ông Nguyễn Hồng Chuyên khẳng định, việc trông giữ xe được giao cho các xã có lễ hội quản lý với mức giá theo đúng quy định của ngành thuế. Sẽ có thanh tra thuế thường xuyên giám sát và sẽ xử lý nặng với các trường hợp vi phạm, nhằm tạo ra sự văn minh, lịch sự cho lễ hội.

Lễ hội cũng mở cửa tự do, không có vé vào cửa, không thu phí nên có thể thấy đây là một lễ hội văn minh và phi lợi nhuận.

Trần Lê

Bình luận
vtcnews.vn