Điều này nhằm mục tiêu đào tạo các cử nhân tương lai có “chuyên môn sâu trên nền tảng rộng”, thích ứng với thị trường lao động đang biến động liên tục trong thời đại 4.0. Đây là đại học đầu tiên của vùng duyên hải miền trung đưa triết lý giáo dục khai phóng vào chương trình đào tạo.
Xu thế mới về triết lý đào tạo của giáo dục đại học ở Việt Nam
Giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) là một cách tiếp cận để cung cấp cho sinh viên tầm nhìn cởi mở, không thành kiến, đón nhận các ý kiến khác biệt và có một kiến thức toàn vẹn về các vần đề xã hội. Tinh thần của giáo dục khai phóng gắn với quan niệm tự do học thuật, có nghĩa là trước chân lý khoa học thì thầy và trò có vai trò tương đối bình đẳng, cùng nhau tìm tòi học hiểu, và mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng.
Mô hình giáo dục khai phóng được áp dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển ở châu Âu, châu Á. Tại Việt Nam, hiện đã có một số đại học áp dụng mô hình giáo dục khai phóng như: Fulbright, Việt - Đức, Việt - Nhật... và mới nhất là Thái Bình Dương.
Từ năm 2020, chương trình đào tạo của ĐH Thái Bình Dương được thiết kế theo triết lý giáo dục khai phóng và hệ tín chỉ phổ biến tại các trường đại học ở Mỹ và Canada.Theo TS Phạm Quốc Lộc - Phó Hiệu trưởng Đại học Thái Bình Dương thì “khai phóng” có nghĩa là “chuyên môn sâu trên nền tảng rộng”, là sự kết hợp đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu và kiến thức kỹ năng tổng quát.
Nói rõ hơn, trên nền tảng giáo dục khai phóng, chương trình đào tạo hứa hẹn mang đến cho sinh viên một hệ thống kiến thức với các năng lực, giúp người học thích nghi nhanh và thành công trong môi trường làm việc năng động, đa dạng và nhiều biến đổi. Để thực hiện được mục tiêu trên, nhà trường định hướng cho phép sinh viên được khám phá các học phần chuyên ngành kết hợp ứng dụng vào thực tiễn việc làm thông qua các dự án, hoạt động thực hành tích hợp hay được học với chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo bảng xếp hạng của Fortunes thì có tới 1/3 trong số 500 CEO hàng đầu nước Mỹ tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng. Những CEO nổi danh trên toàn cầu như bà Susan Wojcicki - CEO Youtube có bằng cử nhân Lịch sử và Văn chương, hay CEO Alibaba- tỉ phú Jack Ma có bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh...
Đổ nền kiến thức và năng lực cơ bản
Với nền tảng triết lý giáo dục khai phóng thì trong hai năm đầu, sinh viên sẽ được “đổ nền kiến thức”. Đối với nhóm kiến thức tổng quát về tự nhiên và xã hội, sinh viên được học các chuyên đề văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, môi trường tự nhiên...
Đối với nhóm năng lực, các em cũng được trang bị các kỹ năng thực hành và năng lực trí tuệ. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; tư duy sáng tạo; tư duy phân tích và phản biện; tư duy số (dữ liệu định lượng và kỹ thuật số); năng lực tìm hiểu và giải quyết vấn đề...
Đặc biệt, trong quá trình học, để có cơ hội vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tế, thích nghi cuộc sống, sinh viên sẽ tham gia các đề án học tập thông qua phục vụ cộng đồng (service learning) của doanh nghiệp hay các tổ chức phi chính phủ.
Một điểm mới nữa là kể từ năm học 2020, sinh viên được học ít nhất 18 tín chỉ cho một ngoại ngữ tự chọn (tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Hoa). Với 18 tín chỉ tương đương 540 giờ học, sau bốn năm học, sinh viên sẽ trang bị cho mình khả năng giao tiếp lưu loát một công cụ ngoại ngữ mà các em đã chọn để hội nhập môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, giáo dục khai phóng rất chú ý rèn cho sinh viên khả năng tự học.
Đại học Thái Bình Dương áp dụng giáo dục khai phóng trong mọi ngành học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn
Thế mạnh của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ Bắc Mỹ
Nói về hệ thống tín chỉ Bắc Mỹ thì TS Nguyễn Trùng Lập - Trưởng phòng đào tạo Đại học Thái Bình Dương cho rằng: “Với hệ tín chỉ phổ biến tại các trường đại học ở Mỹ và Canada, sinh viên có cơ hội xây dựng một lộ trình học tập phù hợp năng khiếu và sở thích. Đặc biệt là sinh viên được lựa chọn chuyên ngành, ngành phụ và các môn học khai phóng độc đáo, thú vị, bổ ích cho cuộc sống và nghề nghiệp tương lai”.
Điểm ưu việt của hệ thống tín chỉ Bắc Mỹ là sinh viên dễ dàng chuyển đổi các môn học đã học tại trường Thái Bình Dương với các môn học trong chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế. Đồng thời các em có thể chọn ngành phụ trong quá trình học.
Ví dụ, khi học ngành công nghệ thông tin, người học có thể lựa chọn để học một trong các chuyên ngành phụ như: Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Hướng dẫn Du lịch Quốc tế… Rõ ràng, các ngành phụ sẽ góp phần tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho các em ứng tuyển xin việc sau khi tốt nghiệp.
Theo diễn đàn Kinh tế thế giới, các kỹ năng hàng đầu cần thiết cho công việc trong thế kỉ 21 là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Giáo dục khai phóng đã đáp ứng phần nào các giá trị trên. Đó là dạy sinh viên học cách để tự học, liên tục tái tạo và nghiên cứu những kỹ năng mới.
Có thể nói, chương trình đào tạo của Thái Bình Dương vừa có tính địa phương vừa mang tính toàn cầu. Chắc chắn, các sinh viên tốt nghiệp Đại học Thái Bình Dương sẽ được nhiều doanh nghiệp đón nhận bởi vốn kiến thức và các kỹ năng được trang bị, cùng với ngoại ngữ lưu loát, được xây dựng trên nền tảng một công dân có đạo đức, trách nhiệm, tử tế, liêm chính... Đây chính là những hành trang rất quan trọng để các em bước vào đời và thích nghi tốt trong thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
"Mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Thái Bình Dương là tập trung vào việc quốc tế hóa môi trường đào tạo, xây dựng môi trường dạy và học dân chủ, liêm chính và sáng tạo. Chiến lược nhắm tới việc cơ cấu ngành nghề hợp lý có tính liên ngành, phương pháp dạy và học hiện đại, nội dung đào tạo cập nhật và thực tiễn, hoàn thiện học chế tín chỉ theo hệ thống Bắc Mỹ để sinh viên dễ dàng tự chọn lộ trình học tập, và không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, làm việc, học tập bằng tiếng Anh.
Trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi tôn trọng chuẩn mực quốc tế và chú trọng các dự án phục vụ địa phương và Nhà trường. Trường cũng nỗ lực xây dựng mạng lưới hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó ngân hàng ACB là đối tác chiến lược đầu tiên”.
TS Bùi Trân Phượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thái Bình Dương
Bình luận