Những ngày gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam bị khuấy động bởi thông tin Công ty THACO của tỷ phú Trần Bá Dương mua toàn bộ vốn Emart Việt Nam và trả phí nhượng quyền thương hiệu cho đại gia bán lẻ Hàn Quốc để vận hành, mở rộng hoạt động.
Bước chân vào thị trường bán lẻ
Hôm 17/5, tờ The Korea Times (Hàn Quốc) cho biết thỏa thuận giữa nhà bán lẻ Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam do chính Emart tiết lộ.
“Liên minh chiến lược của chúng tôi với THACO sẽ không chỉ trả tiền bản quyền cho chúng tôi khi sử dụng thương hiệu E-mart tại Việt Nam, mà còn cho chúng tôi cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thương hiệu riêng của mình”, Korea Times dẫn lời một đại diện của E-mart cho biết.
Cụ thể, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ nhận tiền bản quyền từ người mua Việt Nam. Có nghĩa thương hiệu E-mart vẫn hiện diện ở Việt Nam nhưng sẽ do doanh nghiệp Việt Nam điều hành.
Đại diện THACO cũng khẳng định thương vụ mua 100% cổ phần Công ty Emart Việt Nam sẽ được ký kết trong thời gian tới.
Với việc mua toàn bộ vốn Emart Việt Nam, THACO chính thức đặt chân vào mảng bán lẻ tại Việt Nam. Trước đó, ông Trần Bá Dương từng nhiều lần nhắc tới 5 trụ cột chính của Tập đoàn bao gồm cơ khí và ô tô; xây dựng giao thông hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp; logistic; thương mại và dịch vụ.
Có thể thấy rằng đây là thương vụ có lợi cho cả đôi bên, khi mà THACO có tiềm lực mạnh cộng với kinh nghiệm quản lý từ Emart sẽ giúp THACO nhanh chóng tiếp quản và vận hành một cách hiệu quả. Trong khi đó, Emart vẫn tiếp tục duy trì thương hiệu và đưa hàng vào Việt Nam.
Theo một số liệu, tại E-mart Gò Vấp, số lượng sản phẩm Hàn Quốc được bán tăng từ 170 sản phẩm năm 2015 lên 1.000 sản phẩm năm 2019 và 1.200 sản phẩm vào năm 2020. Khoảng 85% sản phẩm mang nhãn hiệu độc quyền của Emart.
Trước đó, vào cuối năm 2020, thông tin Emart rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam từng được nhắc đến, nhưng ban lãnh đạo siêu thị này phủ nhận và cho biết hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
"Chúng tôi khẳng định thông tin trên là không chính xác. Emart đã khai trương đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2015 tại quận Gò Vấp và đạt được nhiều thành tựu tích cực trên mọi mặt. Ngoài phục vụ cho hàng triệu khách hàng tại TP.HCM, chúng tôi cũng nỗ lực cống hiến nhiều hoạt động xã hội nhằm đóng góp cho xã hội Việt Nam", thông cáo báo chí của Emart cho biết.
Cũng trong thông cáo này, Emart cho biết đang khó khăn sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng địa điểm kinh doanh mới. "Do đó tập đoàn Emart quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau mở rộng mô hình kinh doanh đang rất thành công của Emart", thông cáo báo chí của Emart thông tin.
Tháng 12/2015, Emart khai trương siêu thị đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Công ty quản lý siêu thị này là Công ty TNHH Emart Việt Nam.
Doanh thu của siêu thị Emart này đạt 33,7 triệu USD trong năm đầu tiên, vượt kỳ vọng của Emart. Những năm sau đó, Emart tiếp tục là một trong những siêu thị thu hút rất đông người Việt đến mua sắm, tham quan và ăn uống.
Sau năm đầu kinh doanh ấn tượng, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc khẳng định sẽ phát triển hệ thống Emart thêm 5-10 siêu thị trong trung hạn và dài hạn sẽ có vài chục trung tâm, rộng khắp TP.HCM cũng như Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động tại thị trường Vệt Nam, tính đến nay, Emart vẫn loay hoay với duy nhất một điểm bán vì gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận đất đai, nhất là đất có diện tích lớn để đầu tư làm siêu thị, đại siêu thị.
Vì sao THACO hủy công ty đại chúng?
Liên quan tới hoạt động của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của THACO kể từ ngày 1/1/2021.
Điều này đồng nghĩa với việc THACO của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ không còn phải thực hiện các nghĩa vụ của công ty đại chúng như tuân thủ quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích; công bố thông tin...
Lý giải về việc này, THACO cho biết, do từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành: Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ với cơ cấu cổ đông.
"Tại thời điểm ngày 3/3/2021 (do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM xác nhận) thì THACO không đáp ứng điều kiện vì 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ chưa tới 3% nên THACO đã phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng. Sau 1 năm, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xem xét hủy tư cách công ty đại chúng trên cơ sở báo cáo của công ty", THACO cho hay.
THACO khẳng định, trong thời gian này, THACO vẫn thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định. Đồng thời, THACO vẫn duy trì cung cấp cho cổ đông đầy đủ các thông tin.
"Công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 trong tháng 5 này để thông qua các Báo cáo tài chính, Nghị quyết của Đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh 2020, kế hoạch 2021, chiến lược phát triển trong thời gian tới và công tác quản trị điều hành", THACO cho biết.
Năm 2020 Công ty đã thông qua ý kiến cổ đông về việc tái cấu trúc tập đoàn theo hướng phân tách Công ty để thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO Group), nhằm kiểm soát theo mô hình tập đoàn.
Mục tiêu của kế hoạch tái cấu trúc là thực hiện chiến lược phát triển THACO thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với ngành nghề chủ lực là ô tô và cơ khí, hai ngành chính là nông lâm nghiệp, đầu tư - xây dựng và các ngành kinh doanh bổ trợ là logistics, thương mại.
Cụ thể, THACO dự kiến tách công ty để thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO Group), với số vốn điều lệ 19.324 tỷ đồng gồm các cổ đông của THACO (không bao gồm cổ đông ESOP 2018) theo danh sách cổ đông được đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT THACO xác định.
Tài sản được THACO Group quản lý sẽ bao gồm phần vốn góp của THACO trong Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi; Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai; Công ty cổ phần Hùng Vương và các công ty khác không thuộc lĩnh vực ô tô và cơ khí.
Như vậy ngành nghề chủ lực của THACO Group là ô tô và cơ khí, hai ngành chính là nông - lâm nghiệp, đầu tư - xây dựng, và các ngành kinh doanh bổ trợ là logistics, thương mại.
Trong năm 2019, THACO ghi nhận doanh thu thuần đạt 56.508 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.368 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2019, tổng tài sản của THACO ở mức 106.794 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho 34.770 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, tập đoàn này có 67.496 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 63% tổng nguồn vốn.
Bình luận