• Zalo

Thách thức nào đang đón đợi Chính phủ mới?

Kinh tếThứ Sáu, 08/04/2016 10:15:00 +07:00Google News

Các chuyên gia phân tích những thành công của Chính phủ nhiệm kỳ cũ và những khó khăn để lại cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.

(VTC News) - Các chuyên gia phân tích những thành công của Chính phủ nhiệm kỳ cũ và những khó khăn để lại cho Chính phủ nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ kế thừa cả thành công và hạn chế của các nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên thách thức đặt ra trong tình hình hiện nay là lớn hơn cả, và Chính phủ cần tổ chức bộ máy hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề này. 

TS. Nguyễn Đức Kiên
TS. Nguyễn Đức Kiên  

- Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, theo ông những thành công nào là nổi bật?

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ kế thừa hoàn toàn những thành công và hạn chế của các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là giai đoạn 2011-2016. Do đó thành công của giai đoạn 2011-2016 đồng thời cũng là thách thức đặt lên cho giai đoạn tiếp theo. Tựu chung lại thì thách thức của Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ ở 3 điểm nhấn.

Trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Trung ương 4 về phát triển cơ sở hạ tầng, thì thành công là chúng ta đã xây dựng được một loạt tuyến đường cao tốc, đường nối các khu kinh tế với nhau theo tiêu chuẩn cao như tốc độ cao hơn, có dải phân cách riêng, tải trọng xe lớn hơn…

- Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nghĩa là phải sử dụng nhiều vốn vay?

Cùng với việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như vậy thì cũng đặt ra gánh nặng trả nợ cho Chính phủ nhiệm kỳ mới vì tốc độ tăng nợ công hiện nay đã ở mức 2 con số, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức trên 6%. Như vậy thách thức về vấn đề trả nợ là rất lớn.

- Còn những hạn chế, yếu kém nào nữa, thưa ông?

Ở khu vực nông thôn, chúng ta cũng thành công trong việc đảm bảo xây dựng mô hình nông thôn mới phát triển ở cấp xã, thậm chí đến toàn huyện, nhưng nó cũng lại trở thành thách thức đối với nhiệm kỳ sau. Vì các tiêu chuẩn chúng ta đưa ra chỉ phù hợp với giai đoạn trước, mà không đáp ứng được yêu cầu giai đoạn 2016 trở về sau.

Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), là đối tác quan trọng trong nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, AFTA… thì mô hình này chưa đáp ứng được.

Đặc biệt là mô hình nông thôn mới của ta cũng chưa gắn được với biến đổi khí hậu. Chúng ta vẫn dùng tư duy cũ để áp vào mô hình nông thôn mới và vẫn căn cứ theo những tiêu chí bề nổi như tỷ lệ làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế…, mà quên mất những vấn đề căn bản là cảm nhận của người dân như thế nào, họ có hài lòng với mô hình đó không. Vì để đạt được, họ phải bỏ ra rất nhiều tiền để đóng góp xây dựng vào đó.

Một thuận lợi và cũng là thách thức khác là đổi mới mô hình kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu 3 lĩnh vực then chốt là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, và các tổ chức tín dụng. Trong số này, thành công của nhiệm kỳ trước là đã bước đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với một số kết quả tích cực. Song còn tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, đang là những vấn đề rất nóng bỏng đặt ra cho nhiệm kỳ sau.

- Vậy trước mắt, theo ông những thách thức nào đang đến gần và cần giải quyết ngay lập tức?

 

Thứ nhất, đó là thách thức đối với việc vượt qua bẫy hội nhập quốc tế. Theo tôi đây mới là thách thức thực sự, chứ không phải bẫy thu nhập trung bình thấp như chúng ta vẫn hay nói.
 
Thứ nhất, đó là thách thức đối với việc vượt qua bẫy hội nhập quốc tế. Theo tôi đây mới là thách thức thực sự, chứ không phải bẫy thu nhập trung bình thấp như chúng ta vẫn hay nói.


Để đạt được mức thu nhập trung bình cao, với tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm như chúng ta đặt ra, phải mất 15-20 năm. Do đó đây không phải áp lực đến ngay lập tức. Thay vào đó, áp lực từ hội nhập đang ngày một nặng hơn qua việc cắt giảm thuế quan, thay đổi chính sách, đe doạ hàng loạt ngành sản xuất trong nước.

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Đơn cử như cậu chuyện thuế xăng dầu vừa qua hạ xuống làm hạn chế các nhà máy sản xuất trong nước, trong khi lại ưu đãi cho xăng dầu nhập khẩu. Đây sẽ là nguy cơ hiện hữu ập đến lần lượt với nhiều ngành nghề. 

Thách thức thứ hai đặt ra là vấn đề nâng cao hiệu quả của nền hành chính quốc gia và nền kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả của điều hành quản trị quốc gia.

Chúng ta biết rằng thuế là nguồn thu chính của Nhà nước, vậy thì tại sao lại đẻ ra những thủ tục để tiêu tốn tới 500 giờ, làm hạn chế người nộp thuế cho ngân sách Nhà nước?

Và tại sao chỉ cần một quyết định hành chính của Thủ tướng Chính phủ mà chúng ta giảm được 300 trên tổng số 500 giờ nộp thuế? Như vậy rõ ràng tổ chức hành chính của ta có vấn đề.

Rồi bộ máy phân quyền như thế nào mà những người đứng đầu không cách chức được một ông giám đốc doanh nghiệp cố tình chây ỳ trong quá trình cổ phần hoá, thay vào đó chỉ nói ai không làm được thì đứng sang một bên. Một nền hành chính quốc gia thông suốt mà người đứng đầu đầy quyền lực phải dùng mệnh lệnh mà không có những hành động cứng rắn, trực tiếp, thì đó cũng là thách thức trong tổ chức bộ máy điều hành.

Cuối cùng, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần được đặt lên cấp bách. Đây là vấn đề lớn về mặt nhận thức, bắt đầu từ chính sách tư duy lương thực. Có nên tiếp tục coi việc đảm bảo an ninh lương thực quốc tế là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển nông nghiệp nữa hay không?

Thay vào đó quy hoạch lại sản xuất lúa gạo, nâng cao sản lượng, trồng lúa 2 vụ, chuyển một phần diện tích lúa 2-3 vụ thành 1 vụ, kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, nước lợ và phát triển nông nghiệp dựa trên nước mặn. Đó là những việc cần đặt ra để đối phó với biến đổi khí hậu.

Chúng ta đã xác định đến năm 2020, 60% nguồn thu nhập quốc gia là liên quan đến biển. Vậy thì không được hoảng hốt trước việc xâm nhập mặn, mà phải bình tĩnh sống chung với ngập mặn.

Video: Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ tuyên thệ nhậm chức


- Để giải quyết các vấn đề này, cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?


Trước mắt phải xử lý xong các vấn đề phát sinh trong hội nhập. Vì con tàu hội nhập đến ngày giờ là xuất phát và sẽ không đợi chúng ta. Đến ngày 1/1/2018, TPP có hiệu lực thì nền kinh tế đã phải sẵn sàng để đi cùng con tàu hội nhập.
 
Và trước khi lên tàu, hành tranh của chúng ta phải là AEC. Phải có được hành trang AEC thì khi lên tàu mới có được chỗ ngồi tươm tất, nếu không sẽ chỉ là ngồi nhờ hoặc đứng lờ vờ ngoài cửa toa mà thôi.

Vậy thì trong vòng 2 năm đầu là 2016-2017, cần rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp lý còn chồng chéo, còn những điểm chưa rõ, để thống nhất và tạo môi trường kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế song vẫn khuyến khích và hỗ trợ được cho doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Đề án 30 về cải cách hành chính, và cải cách đó phải thể hiện ngay trong tổ chức Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 11. Chính phủ phải có những dự án được các cấp có thẩm quyền phê chuẩn về tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ. Qua đó thay đổi chức năng nhiệm vụ các bộ, thậm chí bỏ bộ này, lập bộ kia, thành lập các cơ quan trực thuộc Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ đó.

- Nghĩa là phải tính đến cả việc xáo trộn, tách nhập các cơ quan Chính phủ?

Phải trả lời được câu hỏi liệu cơ quan này có cần không, có đóng góp gì trong nâng cao chất lượng điều hành hay không. Chỉ đơn cử như tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh, hiện nay 3 bộ cùng chịu trách nhiệm và cuối cùng là không ai chịu trách nhiệm cả. Trong nền hành chính hiện đại, phân công nhiệm vụ như vậy là không đúng.

 

Chúng ta đã thấy những bài học về tổ chức nhiều cơ quan trong 1 bộ mà không thành công rồi phải quay lại mô hình cũ.
 
Chúng ta đã thấy những bài học về tổ chức nhiều cơ quan trong 1 bộ mà không thành công rồi phải quay lại mô hình cũ. Ví dụ Bộ Công an trước lập ra 8 tổng cục, sau đó sắp xếp lại và giảm xuống còn 5 tổng cục. Như vậy mô hình tổ chức không bất biến mà phải phù hợp với mô hình đất nước, yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.


Đó là giải pháp hành chính ngay đầu nhiệm kỳ. Còn 3 tháng nữa thôi Quốc hội khoá XI sẽ phê chuẩn nội các mới, nhiệm vụ của nội các chuyển tiếp tới đây sẽ là xây dựng một mô hình Chính phủ mới giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tôi tin rằng khi đã có tư duy mới, tầm nhìn mới, thì sẽ có bộ máy hiệu quả, từ đó có cách làm phù hợp để giải quyết các thách thức như đã nói trên.

Xin cảm ơn ông!

TS Lê Đăng Doanh: Cải cách thể chế là cấp bách

Theo tôi thách thức khó khăn nhất đối với tân Thủ tướng và Chính phủ của ông là vấn đề cải cách thể chế. Muốn giải quyết vấn đề ngân sách thì phải tinh giảm biên chế, phải có một bộ máy chuyên nghiệp và tinh gọn. Cái này cả bên Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội đều hải cắt giảm thì ngân sách mới chịu được.

Ngoài ra, phải giảm tham nhũng, lãng phí và lạm dụng chức quyền để nâng cao năng lực cạnh tranh lên. Thực tế vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam có được nâng cao lên một ít nhưng đánh giá về thể chế của Việt Nam vẫn rất thấp.

Gần đây nhất là đánh giá của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy thấy tỷ lệ số doanh nghiệp phải báo cáo, chi trả ngoài pháp luật tăng  từ từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Như vậy có thể thấy, vấn đề tham nhũng không những không cải thiện mà còn gia tăng.

Tôi cho rằng, cải cách thể chế là vấn đề cấp bách, nếu không có cải thiện gì thì chắc chắn sẽ là thách thức sẽ rất nghiêm trọng vì vốn không đủ đầu tư, không đủ chi thường xuyên và trả nợ, nên cứ tiếp tục vay nợ thêm thế này thì rồi nền kinh tế sẽ đi đến đâu?

Đây là những câu hỏi mà người dân mong đợi tân Thủ tướng mới sẽ đưa ra trong bài diễn văn trong lễ nhậm chức.

Video: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chia tay Quốc hội

Ngọc Khanh(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn