Phút 54, trận tranh huy chương đồng giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan, Nguyễn Quốc Việt đang di chuyển song song với trung vệ đối phương. Quan sát đồng đội chuẩn bị chuyền vào từ biên, trung phong mang áo số 9 mở tốc, phá bẫy việt vị nhận đường chuyền và đánh bại thủ môn U19 Thái Lan bằng một cú chích mũi giày.
Quốc Việt làm được điều mà đồng đội bất lực suốt 45 phút trước, đó là đưa bóng vào lưới đối thủ bằng chuỗi những pha xử lý cơ bản. Pha lập công trước U19 Thái Lan cũng là bàn thắng thứ 5 của Quốc Việt ở giải U19 Đông Nam Á, giúp anh giành danh hiệu vua phá lưới.
Video: Quốc Việt ghi bàn vào lưới U19 Thái Lan
"Vua giải trẻ" cất cánh
Hành trang của Nguyễn Quốc Việt trước thềm giải U19 Đông Nam Á là 5 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở các vòng chung kết U17, U19 và U21 Quốc gia. Tiền đạo sinh năm 2003 là đầu tàu của Học viện Nutifood và được HLV Guillaume Graechen đánh giá cao.
Thời điểm U19 Nutifood chuẩn bị dự vòng chung kết U19 Quốc gia hồi tháng 3, HLV Guillaume Graechen đã lo lắng khi không thể có Quốc Việt trong đội hình, bởi tiền đạo 19 tuổi phải tập trung cùng đội U23.
"Thiếu Quốc Việt là khó khăn lớn đấy. 2 năm qua, tôi chưa tìm được ai thay thế cậu ấy", HLV người Pháp chia sẻ. Câu nói của Graechen như lời khẳng định cho tài năng của Quốc Việt.
5 bàn thắng ở giải U19 Đông Nam Á giúp Quốc Việt trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên đoạt giải vua phá lưới ở sân chơi này sau 9 năm. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả con số, đó là phong cách chơi bóng của Quốc Việt.
Cầu thủ mang áo số 9 không đi bóng khéo léo hay tì đè ấn tượng, nhưng biết cách làm công việc quan trọng nhất của một tiền đạo, đó là ghi bàn. Quốc Việt chạy chỗ thông minh, biết tìm kiếm khoảng trống và dứt điểm cực bén.
Cả 5 pha lập công của Quốc Việt ở giải U19 Đông Nam Á đều đến từ những pha xử lý chớp nhoáng, gọn gàng và không rườm rà.
Bóng đá Việt Nam từ trước đến nay luôn thiếu những tiền đạo đá nhanh, gọn như thế. Tư duy chiến thuật là bệ phóng để Quốc Việt có thể nâng tầm, trở thành tương lai của bóng đá Việt Nam.
Dấu hỏi
Tuy nhiên, Nguyễn Quốc Việt sẽ được mài giũa, chuyển từ "ngọc thô" sang "ngọc tinh" như thế nào?
Để nói về thành công của U19 Việt Nam những năm qua, nổi trội nhất phải kể đến hai lứa cầu thủ năm 2013 của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường,... bên cạnh lứa 2016 của Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Tiến Linh,...
Sau khi gây tiếng vang với 2 lần về nhì Đông Nam Á, lứa U19 năm 2013 với nòng cốt là lực lượng HAGL JMG được bầu Đức đôn lên chơi V-League 2015, khi mới ở độ đôi mươi. Tiền đạo Văn Toàn, vua phá lưới U19 Đông Nam Á 2013, được chơi V-League năm 19 tuổi, bằng đúng tuổi Quốc Việt bây giờ.
Lứa U19 Việt Nam năm 2016 có khác biệt, khi một số cầu thủ trước đó như Quang Hải, Đình Trọng đã được chơi tại hạng Nhất, sau đó là V-League cũng ở thời điểm năm 19 tuổi. Lứa này của HLV Hoàng Anh Tuấn gồm những cái tên đá ở giải lớn rồi trở về chơi giải trẻ, nên thích nghi tốt và để lại ấn tượng.
Còn Quốc Việt thì sao?
Tiền đạo sinh năm 2003 thiếu kinh nghiệm đá hạng Nhất, chưa nói đến V-League. Quốc Việt mới chỉ gây dấu ấn ở các giải trẻ, trước những đối thủ cùng lắm hơn 1, 2 tuổi.
Sân chơi chuyên nghiệp sẽ rất khác, và Quốc Việt cần được thử lửa, va đập ở đó để trưởng thành. "Vua giải trẻ" là danh xưng đầy tính động viên với những cầu thủ mới chập chững lên chuyên. Nhưng không thể để Quốc Việt đi cùng danh xưng ấy mãi. 2, 3 năm nữa, sẽ không còn ai gọi trung phong gốc Hải Phòng là cầu thủ trẻ.
Song, chỗ đứng nào cho những cầu thủ như Quốc Việt vẫn là dấu hỏi lớn. Một tiền đạo tiềm năng cần ngay lập tức mài giũa, thi đấu liên tục ở những giải đấu với độ khó cao, thay vì bị đóng khung ở các giải trẻ.
Hôm 29/6, Công ty Nutifood gửi công văn đề nghị thành lập đội U23 Việt Nam để chơi tại V-League. Đề xuất nói trên vấp phải ý kiến phản đối của chuyên gia và rất khó thực thi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, đề xuất ấy cũng cho thấy thực tế rằng cầu thủ trẻ Việt Nam đang thiếu sân chơi để thể hiện mình. Chỉ 4 trong số 23 cầu thủ U23 Việt Nam đá giải U23 châu Á 2022 có suất đá chính tại CLB. Lùi xuống U19, con số còn hẹp hơn nữa.
Với những trung phong như Quốc Việt, khó khăn còn lớn hơn vạn lần. 100% các đội V-League hiện nay chuộng tiền đạo ngoại. Số tiền đạo nội cạnh tranh được vị trí chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Tiến Linh, Đức Chinh, Công Phượng, HLV Park Hang Seo nói "không còn ai để lựa chọn".
So với các tiền đạo đàn anh, Quốc Việt còn thiệt thòi hơn nữa khi chưa có CLB chủ quản để thi đấu chuyên nghiệp.
Hành trình bứt phá của Quốc Việt, vì thế, còn rất gian nan.
Bình luận