Trả lời VTC News, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã bày tỏ sự lo lắng trước hàng loạt vụ việc "chơi ngông", "nói là làm" của giới trẻ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
- Bà nghĩ gì khi một nữ sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Khánh Hòa mang xăng đốt phòng y tế, trường THCS Phạm Ngũ Lão vào trưa 9/10 chỉ vì nhận lời thách đố của bạn bè trên facebook?
Sau khi nghe tin về hành động này, tôi thực sự sốc. Dường như đứa trẻ đã không còn tỉnh táo nữa khi thực hiện một hành động vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm lớn đến chính mình, tài sản và tính mạng của người khác.
Việc coi thường pháp luật của giới trẻ đã lên đến mức báo động nhưng dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các cấp chính quyền. Đó chính là điều tôi lo ngại nhất.
Không biết rồi đạo đức giới trẻ sẽ còn đi về đâu.
- Không chỉ có việc làm dại dột của nữ sinh Khánh Hòa, gần đây giới trẻ Việt xuất hiện trào lưu “nói là làm” với hành động như đủ 10.000 like thì sẽ cởi áo, đủ 5.000 like sẽ “dạy” cho ai đó cùng trường “một bài học”, đủ 40.000 like sẽ tự thiêu…
Trào lưu này cũng như những trào lưu điên rồ khác như đua xe, cởi đồ trước đám đông đều cho thấy tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về kiến thức, về văn hóa sống, đạo đức sống của một bộ phận giới trẻ.
Việc các trào lưu bệnh hoạn này xuất hiện và phát triển cho thấy tình trạng đáng báo động của giới trẻ Việt.
Tôi có cảm giác giới trẻ Việt ngày nay đang hành động thiếu định hướng, thiếu tư duy, tự biến mình thành những đồ chơi để sau đó phải trả giá rất đắt cho những hành động ngông cuồng này.
Thăm dò ý kiến: Theo bạn vì sao giới trẻ Việt ngày càng thích "chơi ngông" và quay clip khoe chiến tích trên facebook?
Video: Nữ sinh đốt trường ở Khánh Hoà vì lời khiêu khích
- Những hành động liều lĩnh, bạo lực như vậy đều được chuẩn bị cẩn thận để sau đó quay clip và tung lên mạng xã hội như một chiến tích. Tại sao các bạn trẻ lại có thái độ hả hê như vậy khi thực hiện những việc làm này, thưa bà?
Các bạn trẻ đang nhầm tưởng thói chơi ngông, yêng hùng là thể hiện bản lĩnh. Đó chính là nguyên nhân chính để những trào lưu điên rồ này phát triển.
Ngoài ra, cuộc sống quá tẻ nhạt, nhàm chán, thiếu các hoạt động hữu ích cũng là một nguyên nhân của hiện tượng này.
- Bà có lo ngại khi trào lưu “nói là làm” điên rồ của giới trẻ Việt bùng phát thì sẽ càng kích thích những bạn trẻ khác nghĩ ra những trò kinh dị hơn để được nổi tiếng?
Tôi nghĩ, trào lưu này cũng sẽ chỉ thịnh hành trong một thời gian ngắn nhưng việc xuất hiện những trào lưu bệnh hoạn dạng này là vô cùng đáng ngại.
Những trò kinh dị sẽ còn xuất hiện và ngày càng khủng khiếp hơn
TS Vũ Thu Hương
Những trò kinh dị sẽ còn xuất hiện và ngày càng khủng khiếp hơn. Thậm chí tôi còn không dám tưởng tượng xem tình hình rồi sẽ ra sao sau 20 năm nữa, nếu không có những uốn nắn, giáo dục đúng biện pháp, kịp thời.
- Liệu có sự cảm thông cho những bạn trẻ đang thực hiện những trò đùa quái dị, khác người này không?
Bất kể một hành vi vi phạm pháp luật này cũng không thể tha thứ và không đáng nhận bất kể một lời cảm thông, bao biện nào.
Hành động bồng bột để hủy hoại tài sản, tính mạng con người thì không một xã hội nào dung tha.
Chắc chắn các bạn trẻ thực hiện những hành vi nguy hiểm này cần phải bị trả giá cho hành động của mình.
- Phải chăng việc xuất hiện ngày càng nhiều hành vi nguy hiểm của giới trẻ là do các em nghiện mạng xã hội một cách cực đoan, mất kiểm soát?
Nếu đổ lỗi cho mạng xã hội để có những hành vi mất kiểm soát, cực đoan thì thật sự không hợp lý. Ở đây, mạng xã hội chỉ là tác nhân gây ra các vấn đề chứ không phải là nguyên nhân chủ yếu.
Việc thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức, kĩ năng và đạo đức sống của một bộ phận trẻ Việt chính là nguyên nhân của hiện tượng này.
- Ở trong những trường hợp này, phải chăng những cái “like ảo” là yếu tố gián tiếp gây nên hậu quả khôn lường?
Tôi nghĩ, các bạn trẻ like chẳng qua nghĩ đơn giản là chủ nhân của status đó sẽ không dám thực hiện điều mình đang nói.
Các bạn trẻ đang chơi một trò chơi nguy hiểm và gây hại cho xã hội.
Chính những chủ nhân của các like đó cũng phải xem lại sự ảnh hưởng từ hành động của mình đến xã hội. Các bạn cần sống trách nhiệm hơn.
- Phải chăng những người đã like những phát ngôn ngông cuồng của các bạn trẻ cũng có một phần trách nhiệm trong việc này?
Tôi nghĩ, người gây ra hỏa hoạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ việc này. Tuy nhiên, những người đã like status rất cần được giáo dục lại.
Nếu các bạn còn đùa cợt với cuộc sống này, xã hội này, chính các bạn sẽ đến lúc phải trả giá đắt.
Xã hội sẽ đi về đâu với kiểu suy nghĩ và hành động thế này.
- Từ hàng loạt sự kiện đáng báo động xảy ra trong thời gian qua, phải chăng triết lý giáo dục của chúng ta đang có vấn đề?
Tôi thật sự thấy buồn vì triết lý giáo dục của chúng ta dù có thay đổi thế nào vẫn chỉ chú trọng vào học, năng lực, kiến thức, trí tuệ…. trong khi đạo đức giới trẻ xuống cấp báo động.
Có lẽ chúng ta, đã đến lúc cần phải thay đổi lại triết lý giáo dục Việt Nam thành: "Đào tạo người Việt an toàn và tử tế".
Xin cảm ơn bà!
Bình luận