• Zalo

Thạc sỹ trẻ chỉ ra 3 sai lầm 'chết người' của du học sinh Việt

Giáo dụcThứ Hai, 02/03/2015 07:38:00 +07:00Google News

Một thạc sỹ trẻ đang học tại Mỹ đã đề cập đến những sai lầm trong giao tiếp của các bạn trẻ Việt Nam khi theo học tại nước ngoài.

(VTC News) - Một thạc sỹ trẻ đang học tại Mỹ đã đề cập đến những sai lầm trong giao tiếp của các bạn trẻ Việt Nam khi theo học tại nước ngoài.


Với nền kinh tế đang khó khăn hiện nay, số lượng học sinh đi du học đã giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong điều kiện mỗi lúc mỗi khó khăn hơn, việc học tập thành công ở nước ngoài trở nên quan trọng và tất yếu.

Có nhiều sinh viên Việt Nam giành được những giải thưởng, học bổng, và thành tựu cao ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những phần nổi của tảng băng.

Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến phần chìm, đó là việc những sinh viên đang học tập ở nước ngoài đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để hòa nhập chỉ vì họ phạm những sai lầm trong giao tiếp.

Tự ti vì rào cản ngôn ngữ

Đối với bất kể du học sinh nào, dù khả năng ngoại ngữ có giỏi đến đâu, thì việc nghe và đối thoại cũng cần phải có thời gian để thấm được cách phát âm và giọng của người bản xứ. Tôi đã gặp nhiều sinh viên và họ ngại nói vì sợ phát âm sai.

Các bạn phải hiểu rằng bạn không thể nghe được người bản xứ nói gì khi bạn phát âm sai. Khi bạn càng giấu cái sai đó, thì bạn mất đi cơ hội để người bản xứ chỉ cho bạn cách phát âm đúng. Vì vậy, bạn thường phát âm sai và không hiểu người khác nói gì.

có ai chế nhạo việc bạn phát âm Anh ngữ sai, bạn chỉ cần cười và nói với họ “Tôi nói được hai thứ tiếng và Anh ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, còn bạn nói được mấy thứ tiếng?”.
 Du học sinh Việt Nam đang tự ti vì rào cản ngôn ngữ?
Không thể hòa nhập vì tự thu nhỏ cộng đồng của mình

Tôi đã gặp rất nhiều sinh viên không thể hòa mình với sinh viên bản xứ, họ không thể kết bạn hoặc giao lưu với các bạn ngoài xã hội. Vì sao? Vì họ tự thu nhỏ thế giới của mình.

Rất nhiều sinh viên Việt Nam hay tụ tập, sinh hoạt với nhau vì họ tìm thấy tiếng nói chung “mình là người Việt Nam”. Sinh viên Việt Nam hay có thói quen gặp nhau ở nhà cuối tuần, ăn uống và giải trí với nhau. Vô tình điều đó đã hạn chế cơ hội và khả năng mở rộng quan hệ của các bạn.

Chúng ta hiểu rằng người Việt Nam thì giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, nhưng các bạn cũng phải lưu ý rằng sẽ học được gì, phát triển được gì cho kiến thức, văn hóa, quan hệ của khi tuần nào bạn cũng gặp chừng đó người, nói chừng đó câu chuyện, và không có gì khác hơn là một buổi cà phê ăn uống "chém gió" tại ngay quê nhà của bạn.

Khi gặp nhiều bạn mới, bạn sẽ có cơ hội mở rộng được kiến thức và làm quen được lối sống, cách sinh hoạt và nói chuyện của người bản xứ. Bạn không thể học được văn hóa của nước Mỹ, nước Anh, hay Pháp từ một sinh viên Việt Nam ở cùng phòng với bạn. Đó là điều cần phải lưu ý.
Việc mở rộng mối quan hệ đang là một khó khăn đối với du học sinh Việt Nam
Nếu có những dự định lâu dài, bạn phải hiểu rõ những sinh viên bản xứ, và đặc biệt là các giáo viên. Họ sẽ là những người giúp bạn có được thành công ở đất khách. Xây dựng những mối quan hệ với họ là điều quan trọng và cần thiết cho tương lai của bạn.

Đừng vô tình biến mình thành kẻ khác người

Bất đồng văn hóa là một rào cản rất lớn để hòa nhập với người bản xứ. Dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu thì bạn cũng sẽ phải đối mặt với văn phong, suy nghĩ, hay thậm chí là óc hài hước một cách quá khác biệt.

Con đường ngắn nhất để kết bạn là làm cho người đối diện cười và cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn. Đừng bao giờ đến bắt chuyện và mở đầu câu nói của bạn bằng “Ở Việt Nam của tôi làm thế này, ăn thế này, giải quyết như này...”,  một cách áp đặt lên người khác.

Bạn cần lưu ý đang ở một xứ sở khác. Người bản xứ sẽ rất thích học hỏi văn hóa của bạn nhưng với điều kiện là khi người ta muốn chứ không phải học một cách miễn cưỡng. Cách tốt nhất để phá vỡ những rào cản là hãy bắt đầu đối thoại của bạn bằng những điều tương đồng vô thưởng vô phạt.

Hãy nói về thời tiết, thể thao, âm nhạc, thú nuôi trước khi bạn hiểu rằng đối tượng có muốn nghe và tìm hiểu những khác biệt về văn hóa của bạn hay không.
 Thạc sĩ trẻ Tiger Vũ (trái) chia sẻ: "Con đường ngắn nhất để kết bạn là làm cho người đối diện cười và cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn"
Kém quan sát sẽ biến bạn thành một người đơn độc nơi đất khách. Tôi từng biết có nhiều sinh viên đốt thời gian rảnh của mình bằng việc lang thang ở các khu thương mại để mua sắm.

Bạn nên nhớ rằng sinh viên bản xứ họ đều phải đi làm bươn chải, và khi rảnh họ thường chơi dã ngoại, thể thao, picnic. Họ chỉ đi mua sắm vào các dịp lễ hoặc mùa giảm giá. Nếu như họ biết bạn tuần nào cũng đi mua sắm trong khi họ phải đi làm, thì bạn nghĩ họ sẽ cảm thấy thoải mái và thân thiết khi nói chuyện với bạn?

Trên đây là những bài học và kinh nghiệm mà tôi đã trải qua sau gần 7 năm sống, học tập và làm việc như một du học sinh. Hy vọng những bạn sinh viên sẽ tự tìm cho mình một lối sống lành mạnh, bổ ích và hòa nhập dễ dàng trên đất khách.

Bạn đừng bao giờ quên mình là ai khi đem chuông đi đánh xứ người, nhưng đánh như thế nào và vào thời điểm nào là một việc rất quan trọng để đem lại thành công.


Tiger Vũ (Thạc sỹ Châu Á Thái Bình Dương, Thạc sỹ KinhTế - Marketing, Đại học San Francisco, Mỹ)
Bình luận
vtcnews.vn