"Xin mời một người nhà bệnh nhân Lê Văn An về cấp cứu một hỗ trợ vận chuyển", một giọng nói vang lên qua loa từ phòng tiếp đón. Đó là giọng của anh Nguyễn Văn Thuận, đội bảo vệ ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bảo vệ của bệnh viện ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh còn phải làm công tác đọc bộ đàm thông báo đến người nhà bệnh nhân, vừa hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Thuận là bảo vệ trực cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Thuận làm việc tại viện từ tháng 9/2018. Mỗi ngày, anh làm việc 12 giờ, từ 6h sáng đến 6h tối, xen kẽ tăng ca, thay ca.
Khoa Hồi sức cấp cứu là điểm nóng tại Bệnh viện Bạch Mai. Hàng ngày, khoa tiếp nhận hơn 200 ca bệnh nặng nên bác sĩ, điều dưỡng và bảo vệ đều phải làm việc quần quật, không có thời gian ngơi tay.
Tết năm nay, Thuận được giao nhiệm vụ đặc biệt. Anh trực Tết từ chiều 30 đến ngày mùng 2 tại viện. Đây là khoảng thời gian trực Tết khá nặng, khi hầu hết mọi người nghỉ ngơi mừng năm mới.
"Cái Tết đầu tiên xa nhà, tôi thấy hồi hộp nhiều hơn", chàng trai quê ở Hòa Bình tâm sự.
Anh kể, ở khoa cấp cứu, khi cánh cửa phòng khép lại thì chỉ có những cuộc chiến giành lấy sự sống cho bệnh nhân, chẳng còn ai nghĩ hôm nay là lễ hay Tết. Bởi vậy, Tết ở khoa cấp cứu cũng như ngày thường, chỉ có bệnh nhân là đông hơn gấp 2, 3 lần bình thường.
Khi nhận lịch trực Tết, Thuận gọi về cho mẹ thông báo. Chàng trai may mắn khi được gia đình động viên, giúp con yên tâm hoàn thành công việc.
"Chỉ cần con về thì ngày nào cũng là tết", mẹ Thuận chia sẻ.
Bác sĩ cấp cứu Vũ Tưởng Lân cho biết, ở khoa Hồi sức cấp cứu, công việc của bảo vệ trở nên đặc thù. Bảo vệ không chỉ trực mà còn bảo vệ an ninh khu vực 24/24h. Họ thay bác sĩ gọi bộ đàm, đẩy cáng, gọi xe chở bệnh nhân, thông báo cho người nhà.... Nhiều bảo vệ còn cho người nhà còn xin số điện thoại liên hệ khi có việc gấp.
Chị Nguyễn Thị Hào 21 năm làm điều dưỡng tại khoa, cũng chậc lưỡi nói "bảo vệ ở khoa cấp cứu nhọc nhằn, không ai muốn làm". Bảo vệ thông thường chỉ cần trực tầng, quản lý người đi qua lại.
"Do tính chất công việc của bảo vệ ở khoa cấp cứu, chúng tôi xem bảo vệ ở đây như đồng nghiệp của mình", điều dưỡng Hào chia sẻ.
Mỗi ngày, có 2 bảo vệ thay phiên trực tại khoa. Ngoài ra còn có kíp trực an ninh nội bộ và công an hỗ trợ vào ca trực đêm để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ. Với khối lượng công việc lớn, bảo vệ cũng chẳng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
Khi làm việc, bảo vệ phải giữ tinh thần tỉnh táo để đảm bảo an ninh bệnh viện. Họ luôn nhắc nhở người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm khuẩn cho mình và cho người khác, không nghe điện thoại khi vào phòng cấp cứu. Khi bệnh nhân đông, bảo vệ phải kiểm soát không để quá nhiều người nhà xông vào phòng, gây cản trở công việc của y bác sĩ.
Thuận nhớ nhất là ca cấp cứu vào tháng 11, ba mẹ con bị va đập nặng được chuyển đến cấp cứu A9 Bạch Mai. Ngoài Thuận, khoa hỗ trợ thêm 4-5 bảo vệ khác đến chuyển cáng vào phòng.
"Vừa đẩy cáng chúng tôi chảy cả nước mắt vì thương", anh nói khi chứng kiến nỗi đau mất mát người thân. Từ đó, chàng trai 23 tuổi học được cách làm việc khẩn trương, thời gian một giây cũng là vàng để giành lại sự sống cho người bệnh.
"Làm việc tại khoa cấp cứu, đến bảo vệ cũng phải trưởng thành", Thuận nói.
Bảo vệ bệnh viện nhờ công việc cũng học được những bài học sơ cứu khi có người nhà bị sốc tim, đột quỵ. Họ biết cách ăn uống nghỉ ngơi điều độ và đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh cho mọi người.
"Tết xa nhà, nhưng tôi tin gia đình sẽ tự hào vì công việc mà tôi đang làm", Thuận tâm sự.
Thuận cho biết đang sắp xếp công việc và về thăm nhà trước ngày trực để phụ giúp gia đình. Dự định 18h30 ngày 30 Tết, anh sẽ có mặt tại khoa Hồi sức cấp cứu và nhận ca trực của mình.
Bình luận