• Zalo

Tết ta theo lịch tây: Tiến sĩ Việt kiều lên tiếng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 24/01/2013 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Nếu bỏ tết cổ truyền (tết Cả) có nguy cơ sẽ xóa bỏ cả hệ thống lễ tết cổ truyền, điều mà tôi tin rằng đại bộ phận cư dân nước ta không hề muốn".

(VTC News) - "Nếu bỏ tết cổ truyền (tết Cả) có nguy cơ sẽ xóa bỏ cả hệ thống lễ tết cổ truyền. Điều đó là không thể, vì nếu để điều đó xy ra sẽ gây hệ lụy cho nền văn hóa truyền thống, là điều mà tôi tin rằng đại bộ phận cư dân nước ta không hề muốn" - Tiến sĩ Phan Quốc Linh.

Xung quanh ý kiến gộp tết ta vào tết dương lịch của GS Võ Tòng Xuân tiếp tục có những ý kiến trái chiều. Trong đó, có rất nhiều ý kiến không đồng tình với những luận điểm của GS này đưa ra. Từ Bungari, TS Văn hóa học Phan Quốc Linh đưa ra những luận điểm phản bác quan điểm được coi là tiến bộ của GS Tòng Xuân.

Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ ý kiến này để độc giả tiện theo dõi, phần tiêu đề do tòa soạn đặt:

Tết cổ truyền, còn gọi là tết Cả, nghĩa là tết lớn nhất, sau nó còn một loạt các tết khác, cùng nằm trong một hệ thống lễ tết cổ truyền của dân tộc Việt-gồm 13 tết tất cả.

"Rút dây sẽ động đến rừng”, một khi tết Cả - tết lớn nhất, còn bị xóa bỏ thì các tết còn lại không thể không bị ảnh hưởng, không loại trừ mức độ ảnh hưởng lớn nhất là sự phá vỡ cả hệ thống lễ tết cổ truyền này.
 

Nói ngắn gọn là nếu bỏ tết cổ truyền (tết Cả) có nguy cơ sẽ xóa bỏ cả hệ thống lễ tết cổ truyền. Điều đó là không thể,vì nếu để điều đó xẩy ra sẽ gây hệ lụy cho nền văn hóa truyền thống, là điều mà tôi tin rằng đại bộ phận cư dân nước ta không hề muốn và cũng chưa hề có sự chuẩn bị về tâm lý, ý thức, nhận thức và cả cách thức cho sự thay đổi này.
 
Tết cổ truyền, xét về bản chất là tết gia đình, bởi  nó được tạo dựng chủ yếu trong không gian văn hóa lễ nghĩa gia đình truyền thống, một yếu tố văn hóa đang được người phương Tây quan tâm, muốn phục dựng lại sau nhiều thế kỷ sao nhãng, lơ là, vậy thì tại sao chúng ta lại phải bỏ tết Ta theo tết Tây?
Thiếu nữ Việt rạng rỡ áo dài đón xuân. 
Ở Châu Âu, lễ giáng sinh là một lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng,tâm linh của bộ phận cư dân là tín đồ thiên chúa giáo nhưng lại được toàn bộ cư dân trong xã hội chào đón như một ngày hội văn hóa, mặc nhiên vươn lên tầm quy mô hơn cả tết dương lịch.Vì sao vậy?

Vì tết Tây thực chất là tết của công chức, như là quyền được nghỉ ngơi, vui vẻ -thông qua lễ hội, để đánh dấu một năm làm việc đã qua, chào đón năm mới đến. Ý tôi muốn nói là tết Tây không mang nặng yếu tố văn hóa tinh thần, yếu tố văn hóa tâm linh như ngày lễ giáng sinh hay tết Ta-tết gia đình.
 
”Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, tết cổ truyền là dịp để các cá nhân thể hiện và đón nhận tình cảm sâu sắc, ấm cúng trong các mối quan hệ giữa các thế hệ bố mẹ-con cái, dịp để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo trong quan hệ thầy-trò, cùng với những yếu tố khác, góp phần tạo thành các yếu tố văn hóa cộng đồng đặc sắc, làm phong phú nền văn hóa cổ truyền phương Đông.
 
Các hình thức nghi lễ Tết nguyên đán, theo Wikipedia, có 7 mục lớn(tổng cộng gần 30 mục chi tiết), sau đây xin chép ra đây mấy mục chủ đạo để cùng nhau ôn lại, suy ngẫm nhân ngày tết Quý Tỵ sắp tới:
 
2.các giai đoạn chính trong tết:

2.1. cuối năm.

2.2 tất niên: 2.2.1 giao thừa; 2.2.2 cúng giao thừa ngoài trời; 2.2.3 cúng giao thừa trong nhà;

3 bảy ngày đầu năm: 2.3.1 ba ngày đầu năm; 2.3.2 xông đất; 2.3.3 xông đất và hái lộc; 2.3.4 chúc tết; 2.3.5 thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp; 2.3.6 mừng tuổi; 2.3.7 hóa vàng; 2.3.8 khai hạ.

4.dọn dẹp trang trí: 4.1 mâm ngũ quả; 4.2 cây nêu; 4.3 tranh tết; 4.4 câu đối tết; 4.5 Hoa tết: 4.5.1 hoa đào; 4.5.2 hoa mai;4.5.3 cây quất


6.Những phong tục tập quán và sinh hoạt ngày tết: 6.1 phong tục ngày tết; 6.2 Sinh hoạt ngày tết; 6.3 Lễ hội tết

7.Tín ngưỡng ngày tết: 7.1 Điềm lành; 7.2 Điềm dữ
 
Như vậy, gắn với tết này là cả một hệ thống nghi lễ- phong tục rất phong phú, gắn với mỗi nghi lễ thường có một sự tích (sự tích cây nêu, tục lì xì, tục xông đất, tục xông đất và hái lộc,...kèm theo những nghi lễ của từng phong tục, tập quán cụ thể...). Tất cả những điều này chứng tỏ rằng lễ tết cổ truyền thực chất là một sinh hoạt văn hóa đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người Việt từ rất lâu đời.
 
Với cá nhân tôi, và tôi tin rằng, với đại bộ phận người Việt nam chúng ta, tết cổ truyền là ngày lễ hội văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh thiêng liêng góp phần gắn kết quan hệ tình cảm của mỗi cá nhân với tình cảm gia đình, họ hàng, thầy trò, bạn bè, làng xóm...và được khắc ghi trọn đời từ lúc biết cảm nhận thế giới xung quanh, rồi lúc lớn lên, làm gì, đi đâu, kể cả là phiêu bạt nơi chân trời góc biển nào, cho đến khi từ giã kiếp người.

Không nên bỏ tết ta hay chuyển đổi ăn tết ta theo dương lịch.
 
Hội nhập văn hóa không đồng nghĩa với việc tạo ra những sản phẩm văn hóa có phiên bản giống nhau. Hội nhập văn hóa là quá trình phát triển đa dạng, phong phú của các hiện tượng văn hóa,các giá trị văn hóa của các cá nhân, cộng đồng, dân tộc, quốc gia, khu vực và vùng miền khác nhau trên thế giới.
 
 

Tết cổ truyền, xét về bản chất là tết gia đình, bởi nó được tạo dựng chủ yếu trong không gian văn hóa lễ nghĩa gia đình truyền thống, một yếu tố văn hóa đang được người phương Tây quan tâm, muốn phục dựng lại sau nhiều thế kỷ xao nhãng, lơ là, vậy thì tại sao chúng ta lại phải bỏ tết Ta theo tết Tây?

 
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc(UNESCO) từ lâu đã đảm nhiệm sứ mệnh này: xem xét, đánh giá và công nhận các di sản văn hóa, các hiện tượng văn hóa khắp nơi trên thế giới nhằm làm phong phú thêm, đa dạng hóa kho tàng văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của nhân loại, tạo điều kiện để các giá trị văn hóa có chỗ đứng, tham gia vào đời sống của thế giới hiện đại. Hội nhập văn hóa, theo đó, đối lập với tính khuôn mẫu, sự đơn điệu...
 
Theo cách làm nói trên của UNESCO, lẽ ra chúng ta phải bảo tồn và phát triển tết cổ truyền như là một sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt mới phải. Ngược lại,nếu ăn tết ta theo tết dương lịch, thực chất là bỏ tết ta theo tết tây, đồng nghĩa là một ”phiên bản” tết Tây nữa ra đời.
 
Nhân đây, xin được bàn về ý kiến ăn tết ta theo dương lịch do GS-TS Tòng đề xuất và được dư luận đang rất quan tâm.
 
Trên cơ sở tán thành ý kiến của GS-TS Tòng Xuân, GS-TS Nguyễn Anh Trí chi tiết hóa một số điểm cơ bản như sau: Rút ngắn tết âm lịch còn lại 1-3 ngày, nghỉ tết dương lịch từ 26/12 đến 5/1 và các nghi lễ tết cổ truyền sẽ được thực hiện trong những ngày tết dương lịch này.
 
Ăn tết cổ truyền theo dương lịch nếu theo”kịch bản”của các vị GS-TS đáng kính của chúng ta, theo tôi, là không thể vì nó có nhiều bất cập:
 
Bất cập về thời gian: "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tổng cộng khoảng 16 ngày cho hai tết (tết ta và tết tây của người Việt) trong khi bên tây họ chỉ nghỉ tết dương lịch 1 ngày (mồng 1/1), nếu muốn nghỉ thêm thì nhà nước cho phép làm bù bào thứ bảy (cũng chi được phép thêm 1,2 ngày là cùng). Nếu theo đề xuất này, sự chênh lệch về thời gian nghỉ tết của ta với bên Tây, vẫn quá lớn, tỷ lệ vào khoảng 1/16!
 
Với tết Tây, thời gian nghỉ ít nhất tối thiểu (minimum) như vậy-chỉ có đúng 01 ngày, cũng cho thấy tết dương lịch là không quá quan trọng đối với dân cư Châu Âu như một số người chúng ta vẫn nghĩ. Thực tế, hàng năm các nước Châu âu nghỉ lễ, tết(không kể ngày nghỉ do thời tiết) nhiều hơn ta.
 
Như vậy, nếu theo một số người cho rằng nghỉ tết Ta nhiều, làm "lệch pha” với lịch làm việc của đối tác nước ngoài, theo tôi, chỉ đúng cho riêng trường hợp cụ thể là trong so sánh tết ta-tết tây, còn nếu xét trên bình diện tổng thể, nên hiểu ngược lại, là do phía đối tác nghỉ nhiều hơn ta mới là nguyên nhân gây nên sự “lệch pha“ trong làm ăn.
 
Về một phương diện khác, chuyện ”lệch pha” trong giao dịch, làm ăn với đối tác nước ngoài vẫn là chuyện thường ngày ở huyện”, vì giữa ta và họ thường vẫn có múi giờ khác nhau, cách nhau ít thì vài ba tiếng (gần nửa ngày làm việc) nhiều là 10-12 tiếng (hơn cả ngày làm việc). Trường hợp như vậy, chỉ có thể khắc phục bằng cách tự thích ứng mà thôi, nghĩa là cần bố trí người thường trực hàng ngày và cả trong dịp tết.
Gói bánh chưng ngày tết. 
Thực tế, theo tôi, đã là đối tác làm ăn của nhau, cũng nên hiểu nhau chứ ai lại đi nhè lúc người ta đón tết để làm việc, cũng như chúng ta đâu có đi làm việc với đối tác khi họ nghỉ lễ tết bao giờ.
 
Tuy nhiên, thời gian lễ tết cũng do con người mà ra nên có thể điều chỉnh lại cho hợp lý. Có những yếu tố khác,thuộc về khách quan,như không gian văn hóa lễ tết, các thủ tục nghi lễ mà thiếu nó không còn là tết nữa.
 
Về nghi lễ, yếu tố quan trọng, xương sống của văn hóa nghi lễ-đây chúng ta đang nói đến tết cổ truyền, như chúng tôi lược ghi ở phần trên-wikipedia, cũng phải có thời gian vật chất nhất định, phù hợp, mới có thể tiến hành hành lễ được.

Theo đó, một khi các nghi lễ tết cổ truyền đã được tiến hành trong dịp tết dương lịch (tạm gọi là tết tây của người Việt), có cần thiết ”lặp lại” ở tết ta (tết âm lịch)? Tôi xin khẳng định là không, không thể và cũng không nên, vì những lý do sau đây:
 
Thứ nhất, không đủ thời gian: tết ta có hẳn lịch trình, có mấy ngày trước tết và sau 7 ngày tết, trong khi kịch bản của các giáo sư của chúng ta chỉ cho phép 1-3 ngày tết âm mà thôi, tức là quá ít ngày cho nghi lễ tết này.
 
Thứ hai, tết là ngày lễ trọng đại linh thiêng,một khi các nghi lễ nếu đã được thực hiện (cúng bái, lễ lạt, chúc tụng,thờ cúng...) năm mới rồi (năm dương lịch) há cần phải lặp lại ở tết âm lịch, vì như vậy, xin lỗi phải nói thật, là mất thiêng, nếu không nói là buồn cười, nếu không nói là báng bổ.
 
Và, lễ tết gắn với nghi lễ,đồng nghĩa là lễ tết sẽ tự nhiên biến mất khi không còn thủ tục, nghi lễ. Như vậy, rõ ràng nếu thực hiện theo kịch bản đón tết ta theo dương lịch như các vị GS-TS này đề xuất, có nghĩa là bỏ tết âm lịch rồi còn gì, khác nhau chỉ là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
 
Kịch bản ’đón tết cổ truyền theo dương lịch”của các tác giả này, theo tôi, cũng không có cơ sở thuyết phục ở phần ”nghi lễ tết cổ truyền được thực hiện trong tết dương lịch”. Vì sao?
 
Nghi lễ tết cổ truyền từ bao đời nay gắn với một không gian lễ hội cụ thể trong đó có không gian văn hóa sinh thái-là ”phong nền” thời tiết, khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên, môi trường sinh thái tại thời điểm diễn ra lễ tết,v.v...
 
Môi trường sinh thái dịp tết cổ truyền một mặt là môi trường tự nhiên, được cha ông lựa chọn từ ngàn đời nay,đồng thời có vai trò cải tạo của con người (trồng cây, trồng hoa, rau cỏ,...), vì thế tôi gọi là không gian văn hóa sinh thái.
 
Nói cụ thể hơn một chút: tết âm lịch là thời điểm thiên nhiên thường đi với thời tiết giao mùa, cuối đông sắp sang xuân, tiết trời hay se lạnh, rất phù hợp cho các hoạt động làm ấm người và chế độ ẩm thực phong phú hơn ngày thường.

Đây là lúc công việc cơ bản tạm ổn sau một năm làm việc vất vả, con người thả hồn vào thiên nhiên, cảnh sắc đang chuyển mình, thay đổi như truyền sinh khí, nội lực, niềm vui sống cho con người.
 
Dịp tết cổ truyền là thời điểm thiên nhiên ban tặng cho người Việt chúng ta những sản vật, phù hợp với các nghi lễ: ngũ quả để bày biện bàn thờ, hoa quả để cúng bái, rau cỏ để cải thiện bữa ăn vốn giàu protit từ các loại thịt được dùng nhiều hơn ngày thường, và nhiều những thứ khác nữa, những thứ mà dịp tết dương lịch không có, hoặc có rất ít,không phù hợp.
 
Việc ”chuyển dịch” không gian văn hóa sinh thái tết cổ truyền sang dịp tết dương lịch là không thể, khác nào chúng ta muốn chuyển kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long vào Nam hay lên Bắc.
 
Tết Tây, như tôi có nói ở trên, về cơ bản là tết công chức, phù hợp với các nước công nghiệp phát triển và về phương diện không gian lễ tết không giống chúng ta.

Có thể nói, tết Tây không đặt vấn đề không gian văn hóa sinh thái vì trong quãng thời gian dài từ khoảng tháng 12 đến tháng 2, là khoảng thời gian có thời tiết lạnh nhất trong năm, cây cối trơ trụi, cảnh sắc một màu, họ không có sự lựa chọn nào khác, như chúng ta chọn thời điểm cho tết âm lịch.
 
Thật tình, cá nhân tôi rất tôn trọng đề xuất ăn tết cổ truyền theo dương lịch của GS-TS Tòng Xuân và những người ủng hộ ông. Nhưng tôi cho rằng ý tưởng này còn nhiều bất cập và không khả thi xét theo nhiều góc độ như tôi đã phân tích trên đây.

Với những hạn chế hiện nay gắn với tết cổ truyền như các hủ tục, thời gian kéo dài, lãng phí sức người sức của,v.v...thì nên hiệu chỉnh.
 
Tết cổ truyền là một sinh hoạt văn hóa lễ hội toàn dân, đồng nghĩa là thành phần tham gia (toàn dân) có ý nghĩa quan trọng, nói lên mức độ, đẳng cấp và các giá trị có liên quan.

Ý tôi muốn nói là việc xem xét, chuyển đổi theo bất cứ hình thức nào của hình thức đón tết cổ truyền chúng ta nên tính đến số lượng đa số tuyệt đối này, dù cũng không bỏ qua thiểu số khác, chẳng hạn là những người làm ăn, có quan hệ với đối tác nước ngoài.
 
Thực tế,trong khoảng năm bảy năm trở lại đây, có một bộ phận người Việt chúng ta, chủ yếu là công chức nhà nước và cư dân đô thị, đã tiếp nhận tết tây (tết tây của người Việt), và vẫn đón tết cổ truyền dân tộc bình thường.
 
Tuy nhiên, xét về số lượng thành viên tham gia lễ hội này là rất ít nếu so với cư dân nước ta tuyệt đại bộ phận vốn là cư dân nông nghiệp, nông thôn.

Vậy, nên chăng chúng ta chỉ nên xem việc đón nhận tết tây của bộ phận cư dân Việt này như một dấu hiệu mở, hướng ngoại, là điều bình thường, tự nhiên trong thời kỳ thế giới hội nhập, mà không coi đây là yếu tố để đi đến quyết định bỏ hay thay đổi tết cổ truyền theo một cách nào đó, làm ảnh hưởng đến nghi lễ văn hóa này.
 

TSPhan Quốc Linh

Bình luận
vtcnews.vn