Những con đường rực lửa vào đêm giao thừa
Nếu có dịp ghé thăm huyện Bù Đăng, huyện Chơn Thành, xã Long Tân, huyện Phú Riềng và các xã Tân Thành, Tiến Thành của thị xã Đồng Xoài… vào đêm giao thừa, bạn sẽ không khỏi bất ngờ bởi những con đường rực lửa.
Năm nào cũng vậy, đúng thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, hàng trăm đống lửa lớn được đốt lên kéo dài dọc hai bên đường ở những khu vực thuộc tỉnh Bình Phước, xua tan bầu không khí lạnh lẽo đêm 30 tháng Chạp.
Người dân nơi đây rủ nhau đi lấy củi chất thành đống trước nhà để đốt lửa vào đúng thời khắc giao thừa. Củi được chọn phải là củi to, khô, chắc, thẳng, đượm lửa và cháy âm ỉ duy trì qua đêm 30. Nhà nào khéo tay thì chất đống củi đẹp, không khéo thì chất thành đống sao cho dễ cháy là được.
Ý nghĩa của việc đốt lửa đêm giao thừa
Đúng 12 giờ đêm, hàng trăm đống lửa ở các ngả đường nối nhau bùng cháy vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Việc làm này được thực hiện với quan niệm đốt lửa để ấm cúng nhà cửa, xua đuổi, đốt cháy đi những xui rủi, khó khăn trong năm cũ và sưởi ấm với hy vọng tươi sáng trong năm mới.
Từ khi nhà nước cấm đốt pháo, người dân ở đây đốt lửa đêm giao thừa thay pháo. Trong ánh lửa bập bùng ấm áp, anh em, hàng xóm quây quần chúc nhau năm mới sức khỏe, mọi sự bình an, gia đình hạnh phúc, đất nước yên vui. Thấy nhà người khác đốt lửa thì mình bắt chước đốt, lâu dần thành thói quen.
Với mong muốn ánh lửa hồng sẽ sưởi ấm cho gia đình, đốt cháy những xui xẻo nên mọi người, mọi nhà ai ai cũng muốn đống lửa mình thật to, cháy thật mạnh. Người dân quan niệm đống củi cháy càng to, lâu thì càng may mắn.
Còn khung cảnh nào vui hơn cứ gần tới giờ khắc giao thừa thì cả xóm tập trung ra đường, người lớn cúng giao thừa, thanh niên và trẻ em xúm quanh những đống lửa sáng. Hình ảnh ấy vừa đẹp, vừa nhộn nhịp lại còn ấm áp đến lạ.
Bình luận