Hội chợ lô tô - không khí Tết ở miền Tây
Người ta không biết lô tô có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Nhưng ở miền Tây, tức đồng bằng sông Cửu Long, vào những năm 1980 có thể xem là thời thịnh hành của các đoàn hội chợ, lô tô từ thành phố về dựng rạp ở bãi đất trống gần chợ, treo cờ, bắc loa thu hút đám đông trong những ngày Tết. Ðó cũng là dịp mà những đứa trẻ quê có được một chút không khí thành thị vào những ngày đầu Xuân.
Từ đêm Giao thừa và những ngày sau đó, gánh lô tô tăng công suất hoạt động. Nếu như những ngày trước đó chỉ hoạt động ban đêm thì thời điểm này hoạt động cả ban ngày để phục vụ người chơi.
Những tiếng ca “là cờ ra con mấy…”
Cũng như các sân khấu ca nhạc, mỗi đêm lô tô mở màn bằng mấy bản hát rộn ràng, vài ba câu vọng cổ để lôi kéo người dân đến xem. Khi khách đến đông thì mới bắt đầu bán vé dò lô tô.
Người kêu lô tô có năng khiếu gần như là một “nghệ nhân”, mỗi người một kiểu, khiến đám đông cảm thấy hồi hộp và tự đoán con số nào sẽ ra tiếp theo.
Chơi lô tô, hồi hộp nhất là lúc đợi con số nào đó, ở hàng ba chẳng hạn. Người quản trò kêu muốn hết hàng ba mà con số mình đợi vẫn biệt tăm hơi, để rồi người khác 'kinh' trong sự reo hò tán thưởng của đám đông xung quanh. Lúc đó, mọi người chỉ còn biết ngậm ngùi vò tấm vé quăng đi mà trong lòng tiếc ngẩn ngơ.
Ngày trước, mỗi lần có đoàn hội chợ về quê, đây cũng là cái cớ để trai gái xin gia đình đi chơi. Tuy nhiên, cũng có những năm khi Tết đến không có gánh lô tô về, nhiều nhà thường tổ chức chơi lô tô tại gia với hàng xóm. Trải manh chiếu ở hiên nhà, họ vừa kêu lô tô vừa ăn bánh mứt với láng giềng cũng là một thú vui rất bình dị ngày Tết ở miền Tây.
Khi lô tô dần trở thành kỷ niệm
Sau này, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên, có nhiều phương tiện giải trí thì những đoàn lô tô về miền quê cũng thưa dần. Lúc này, sự xuất hiện những đoàn hội chợ, lô tô được xem là lạc hậu giữa cuộc sống hiện đại.
Những gánh lô tô ít dần mang theo cả tuổi thơ của biết bao thế hệ. Những câu rao “Tôi bóc con cờ ra, cờ ra con mấy, con mấy gì ra,...” gắn liền với thời thơ ấu ở vùng quê nghèo khó dần dần chỉ còn là kỷ niệm.
Bình luận