Trước khi học sinh tạm dừng đến trường vì dịch, hiệu trưởng trường tôi đã họp giáo viên, đề nghị chỉ giao bài tập về nhà với số lượng ít cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Nói thật, lúc đó, tôi cùng đồng nghiệp rất mừng. Tôi quyết định luôn không giao bài tập để các con có thể ăn Tết vui vẻ, không cần vùi đầu làm bài hay loay hoay đi mượn bài bạn để chép.
Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ hôm học trò nghe tin không có bài tập, vừa thấy thương với buồn cười. Lũ trẻ “con cảm ơn cô, con cảm ơn cô rối rít”.
Hóa ra, với những đứa trẻ 10 tuổi, các em chờ mong việc không làm bài tập. Hóa ra, bấy lâu nay, người lớn cứ nghĩ giao bài tập để trẻ không mải chơi, quên mất kiến thức là vì tốt cho trẻ. Nhưng trong mắt trẻ con, đó lại là gánh nặng, là thứ làm Tết bớt vui.
Tôi từng đọc nhiều bình luận dưới bài viết Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các trường không giao bài tập trong thời gian nghỉ Tết. Một số người nói “việc học cả đời, sao cứ nhất nhất phải giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết”.
Điều này không phải không có lý, đặc biệt khi nhiều con vẫn xem bài tập Tết là gánh nặng. Giao bài tập vốn để giúp học sinh không lơ là việc học trong kỳ nghỉ. Nhưng nếu học trò có suy nghĩ phải làm đủ bài tập để nộp cô sau Tết, các con làm với tâm lý đối phó, thậm chí đi chép bài bạn, giao bài tập hay không giao có khác gì nhau.
Hơn nữa, nếu nghỉ một vài tuần, học sinh đã quên kiến thức, việc làm thêm mấy trang bài tập không giúp các con thực sự hiểu bài. Kiến thức học bằng cách ghi nhớ, sớm muộn gì cũng quên.
Như vậy, trường học không nhất thiết phải giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết. Bản thân tôi nghỉ được mấy ngày Tết, người lớn được nghỉ ngơi hoặc muốn được nghỉ ngơi, sao lại giao bài tập cho học trò?
Ở cấp tiểu học, các con chỉ có mấy môn học nhưng lên cấp 2, cấp 3, học đến 9, 10 môn. Mỗi giáo viên chỉ giao một ít bài tập, cộng dồn lại, học trò không có nhiều thời gian để nghỉ?
Với lại, không có bài tập cũng không có nghĩa học sinh không học gì trong kỳ nghỉ Tết. Đây là dịp để các con học về những giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc, vai trò của gia đình, thắt chặt tình cảm, học cách kính trọng người lớn, sẻ chia với người khác.
Thực tế, trong hơn 7 năm gắn bó với nghề, không ít lần phụ trách học sinh cuối cấp, tôi luôn hạn chế giao bài tập dịp Tết. Sau kỳ nghỉ, các con có thể quên một ít kiến thức. Nhưng chỉ cần tôi tranh thủ nhắc lại, học trò nhớ đến ngay.
Điều quan trọng, các con vui vẻ trở lại trường, rạng rỡ vì gặp lại cô cùng bạn bè mà không phải mặt mày ủ ê vì chưa hoàn thành bài tập.
Vì thế, tôi nghĩ “ép” học trò làm bài tập để làm gì. Nếu thực sự muốn học, các con luôn có gần cả năm trời để tiếp nhận kiến thức. Tết, trẻ có thể dành thời gian để học những điều quan trọng hơn nhiều mà thầy cô không thể dạy ở trường.
Đương nhiên, cần thiết giao bài tập hay ko là quyết định của giáo viên. Tôi tin tưởng đồng nghiệp mình luôn căn cứ tình hình, suy xét thực tế rồi mới quyết định số lượng bài tập trong Tết. Tôi cũng mong học trò cùng phụ huynh hiểu dù giao bài tập hay không, giáo viên cũng xuất phát từ trách nhiệm thầy cô và mong muốn học trò tiến bộ, nên người.
Bình luận