• Zalo

Tết Hàn thực ở Việt Nam khác với Tết Hàn thực Trung Quốc thế nào?

Chuyện bốn phươngChủ Nhật, 03/04/2022 08:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Người Việt Nam làm bánh trôi hay bánh chay để cúng gia tiên và ăn thay cho đồ lạnh trong Tết Hàn thực; người Trung Quốc tổ chức Tết Hàn thực này suốt 3 ngày liền.

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch. "Hàn thực" nghĩa là "ăn đồ lạnh". Nguồn gốc Tết Hàn thực được cho là liên quan đến câu chuyện vua Tấn Văn Công (Trung Quốc cổ đại) ban thưởng cho công thần nhưng  quên mất Giới Tử Thôi, người từng cắt thịt đùi nấu cho vua ăn khi lưu vong. Không muốn khoe công để nhận thưởng, Giới Tử Thôi về quê nhà, đi khâu giày thuê để nuôi mẹ già.

Người láng giềng là Giải Trương thấy vua ra chiếu kêu gọi những người có công đến nhận thưởng thì đến mách, nhưng ông chỉ mỉm cười không nói gì. Bà mẹ ở dưới bếp nghe tiếng bèn bảo con ra nhận thưởng, nhưng sau khi nghe giải thích cũng đồng tình, khuyên con tìm nơi rừng núi ẩn thân. Giới Tử Thôi bèn đưa mẹ đến đất Miên Thượng núi cao hang sâu, làm nhà trong hang mà ở.

Giải Trương không cam lòng, bèn tìm cách thông báo cho Tấn Văn Công. Vua sai Giải Trương dẫn đường  vào Miên Thượng tìm Giới Tử Thôi, nhưng tìm mãi không thấy đâu. Sau mấy ngày tìm kiếm khắp núi không được, Tấn Văn Công giận bảo Giải Trương: "Sao Giới Tử Thôi giận ta đến thế? Ta nghe nói Tử Thôi là người chí hiếu, nếu ta đốt khu rừng này thì y tất phải cõng mẹ chạy ra".

Tết Hàn thực ở Việt Nam khác với Tết Hàn thực Trung Quốc thế nào? - 1

Hình minh họa về nguồn gốc Tết Hàn thực.

Tuy nhiên, mặc cho lửa đốt trụi cả khu rừng, Giới Tử Thôi vẫn không ra, hai mẹ con ôm nhau chết dưới gốc cây liễu. Quân sĩ tìm được đống xương, Tấn Văn Công trông thấy thì ứa nước mắt, truyền cho quân sĩ đem chôn ở chân núi, lập miếu thờ, bao nhiêu ruộng xung quanh núi đều để tự điền (ruộng dùng cho việc thờ tự) cả, đổi tên núi là Giới Sơn.

Hôm đốt rừng đúng vào ngày 3/3. Về sau người trong nước nhớ đến Giới Tử Thôi chết cháy nên đến hôm đó không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn lương khô để ăn, gọi là Tết Hàn thực, nhà nhà chỉ ăn đồ nguội. Mỗi nhà cắm cành liễu ngoài cửa để chiêu hồn Giới Tử Thôi, cũng có nhà làm cỗ và đốt giấy để cúng tế.

Tết Hàn thực ở Trung Quốc

Tết Hàn thực rất gần ngày Thanh minh. Vào thời điểm này của năm, bầu trời trở nên sáng sủa hơn và cây cối đâm chồi nảy lộc. Người nông dân bắt đầu gieo hạt giống và cung cấp nước cho các ruộng lúa.

Một chuyên gia văn hóa lịch sử của Trung Quốc cho rằng thói ăn uống lạnh vào thời gian này liên quan đến việc tránh đốt lửa phòng ngừa hỏa hoạn từ thời cổ. Nhưng truyền thuyết lịch sử trên đã ban cho tập quán này nội dung đạo đức nên được nhiều người chấp nhận.

Người Trung Quốc tổ chức Tết Hàn thực này suốt 3 ngày liền với nhiều hoạt động truyền thống gồm có thăm viếng mồ mả tổ tiên (trùng với tiết Thanh minh), chọi gà, đánh đu, đánh chăn, đua thuyền...

Thói quen ăn uống đồ nguội chỉ còn tồn tại ở một số vùng nông thôn còn ở các thành phố hoàn toàn không còn giữ tập tục kiêng kị này.

Tết Hàn thực ở Việt Nam

Người Việt Nam cũng theo phong tục ấy và ăn Tết Hàn thực ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để cúng gia tiên và ăn thế cho đồ lạnh. Những liên hệ đến truyền thuyết về Giới Tử Thôi ít được người dân quan tâm, còn kiêng kị về củi lửa là hoàn toàn không có.

Tết Hàn thực ở Việt Nam khác với Tết Hàn thực Trung Quốc thế nào? - 2

Người Việt cúng bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn thực.

Người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà, tổ tiên trong Tết Hàn thực. Trong Tết Hàn thực, nhà nhà làm bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng.

Thay vì tên gọi chính thức, 3/3 âm lịch thường được người Việt gọi dân giã là Tết bánh trôi – bánh chay. Ngày Tết này hiện vẫn duy trì phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Ngoài ra, chiếc bánh trôi làm từ bột gạo nếp thơm ngon còn được dâng cúng trong lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 tại làng Hát Môn (Phúc Thọ - Hà Tây), ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 và hội Phủ Giầy tháng 3 lễ Mẫu.

Có thể nói, Tết Hàn thực của Việt Nam mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc và có những nét khác biệt cơ bản với ngày lễ này tại Trung Quốc.

Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ.

Minh Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn