(VTC News) - Dòng kênh vốn đen ngòm, hôi thối nay đã lột xác trở lên xanh trong.
Tết sớm bên dòng kênh
Từ khi kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè được nạo vét, thi công hoàn thành, cứ mỗi sớm, nhiều người dân quanh kênh lại cùng nhau đi tập thể dục, dạo bộ hít thở bầu không khí trong lành.
Chiều đến, các cặp nam thanh, nữ tú dựng xe gần hàng rào chắn kênh hướng ánh mắt về dòng nước tâm sự, cười đùa. Lác đác những tay câu cá vác cần câu đến tựa cần lên hàng rào chắn kênh quăng dây ra xa để câu cá.
“Dòng nước đã hồi sinh, cá sống được nên chúng tôi mới vác cần đến câu, ngoài việc giải trí thì chúng tôi cũng câu cá để nhâm nhi cuối tuần” – anh Nguyễn Thanh Nhàn (43 tuổi, cư dân kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) vui vẻ nói. Vừa nói, anh vừa quay dây, tay nắm cần kéo vào một chú cá trê đã bị mắc lưỡi, quẫy lắc dữ dội.
Chiều tối anh Nhàn thường vác cần câu cá tại khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu Thị Nghè). Ảnh: Phan Cường |
Hoàng hôn xuống, những tia nắng xen qua từng kẽ lá rọi lấp lánh dưới dòng nước rì rào, lăn tăn như một bức tranh vẽ.Dưới tán cây xanh, các em trai cùng chơi với trái bóng lăn, hò hét vui đùa, thỏa thích. Sau cuộc chơi,các em kéo đến ngồi tán chuyện bên gốc cây xanh. Riêng các bé gái lại thích trải bạt chơi trò chơi cút bắt, trốn tìm.
Em Thạch Bền (15 tuổi) bày tỏ, em rất vui khi sống trong môi trường có cây xanh che mát, không khí trong lành. Chúng em được chạy nhảy dưới những tán cây, chơi đá bóng mi-ni rèn luyện sức khỏe.
Cuộc sống đổi thay
Cách đây hơn 20 năm, nói đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè người ta thường nghĩ ngay đến dòng kênh đen ngòm, đầy rác, với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tanh tưởi. "Tô điểm" cho dòng kênh là những căn nhà mái tôn rách nát, mái lá sơ sài, lụp sụp được chống đỡ bằng những cây tràm, xà cừ mỏng manh.
Mọi sinh hoạt đều thải trực tiếp xuống dòng kênh khiến mức độ ô nhiễm ngày một trầm trọng, báo động đỏ. Rác thải ngập ngụa dòng kênh khiến nước kênh đặc sệt, khiến muỗi mòng sinh sôi nảy nở. Điều đó không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người sống trong lưu vực kênh này.
Người tản bộ thể dục, người cùng tình nhân dừng xe tâm sự dọc bờ kênh với không khí vui vẻ, thoải mái. Ảnh: Phan Cường |
Bác Nguyễn Bá Trào, nhà trong khu chung cư Miếu Nổi, nhớ lại, "Cuộc đời tôi từ khi sinh ra đã gắn liền với lịch sử con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này. Cách đây khoảng 50 năm, lúc ấy tôi mới ngoài 25 tuổi, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nước trong xanh lắm, chiều nào cũng ra câu cá. Tuy nhiên, do nhu cầu nhà ở phát triển nên hàng chục ngàn hộ dân, chủ yếu dân nghèo ở các nơi đổ về đây lấn chiếm, cất nhà tạm ven kênh để làm nơi cư ngụ. Lần hồi theo thời gian, nước thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ đổ trực tiếp ra kênh biến dòng nước màu xanh năm xưa trở nên đen ngòm, hôi thối".
"Chỉ có trong mơ tôi mới dám nghĩ đến việc hôm nay. Tôi thật sự hạnh phúc khi đón cái Tết lần đầu ở đây, với không khí mát mẻ, trong lành, đường xá thông thoáng, sạch đẹp" - Bác Trào phấn khởi.
Thảm cỏ xanh rì, cây xanh rợp bóng mát. Ảnh: Phan Cường |
Đứng hóng mát trước căn nhà mặt tiền số 220/174B đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, nay là mặt tiền đường Trường Sa, ông Lại Văn Bích (56 tuổi, chủ nhà) cho biết, hình ảnh hiện tại trái ngược hoàn toàn với cảnh nhếch nhác, hôi thối trước đây.
“Lúc đó, cả năm nhà tôi chẳng thấy có khách đến thăm. Hỏi ra mới biết, tất cả là do ô nhiễm. Do chúng tôi sống ở đây lâu, riết cũng quen với mùi hôi thối, chứ những người mới đến hoặc đi ngang qua lần đầu, thì thường bịt mũi mà đi. Thêm nữa đó là tình trạng ruồi muỗi nhiều gây khó chịu cho người đến thăm. Hy vọng Tết năm nay người thân, khách khứa đến xông nhà nhiều để lấy hên" ông Sương cười nói.
Ngày 18/8/2012 kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được khánh thành giai đoạn 1, ghi vào dấu mốc quan trọng của sự phát triển thành phố. Khi dự án mở rộng hai con đường ven kênh là Trường Sa và Hoàng Sa hoàn thành, hàng ngàn hộ dân nơi đây còn hy vọng vào việc đổi đời, đổi nghề, làm ăn buôn bán kinh doanh khởi sắc.
Một góc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Phan Cường |
Dọc hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa giờ tập trung nhiều quán cà phê, quán nhậu, ốc hút, sửa xe...
“Sau khi đường xá thông thoáng, nhờ vào việc cho thuê kiốt rộng hơn 30m2, vợ chồng tôi thu được gần 8 triệu đồng/tháng, đủ để chi tiêu gia đình và thỉnh thoảng được tham quan du lịch đó đây” - Ông Lý Ngộ Nhân (65 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Hai, nay là đường Trường Sa, P.4, Q.Tân Bình), chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tình (ngụ hẻm 225, đường Trường Sa, P.14, Q.Phú Nhuận), tận dụng việc có mặt tiền khi mở đường đã biến căn nhà nhỏ của mình thành một quán ốc, buôn bán lai rai, mỗi ngày kiếm được hơn 400.000 đồng. Không chỉ đủ nuôi thân, mà hai vợ chồng ông Tình mỗi tháng còn chu cấp cho hai đứa cháu mỗi đứa 2 triệu đồng để đóng tiền học phí và mua sách vở để học tập.
Qua thực tế, người lưu thông trên đường Trường Sa và Hoàng Sa, chẳng những tiết kiệm được thời gian đi lại mà còn làm giảm áp lực giao thông đè nặng lên trục đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và Cách Mạng Tháng Tám.
Nói về độ trong xanh của nước và mùi hôi còn lại của kênh, ông Phan Châu Thuận – Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho rằng, dù nước thải sinh hoạt từ các hộ dân không xả trực tiếp xuống kênh nữa, nhưng để dòng kênh trong xanh trở lại thì phải đợi thêm thời gian khá dài, vào khoảng cuối năm 2013.Theo giải thích của ông Phan Châu Thuận, do kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ô nhiễm hàng chục năm qua, nên không thể một sớm một chiều hút hết bùn thải, làm cho nước trong xanh lại ngay. Mặt khác, việc xử lý triệt để nước thải kênh Nhiêu Lộc trong xanh trở lại, hoàn toàn và không còn mùi hôi còn phụ thuộc vào dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 2), với nhà máy xử lý nước thải 480.000m3/ngày, có tổng vốn đầu tư khoảng 470 triệu USD đang được khởi động.
Những ngày cuối năm cũ sắp bước qua, người dân cả nước nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền, ai cũng có mong ước những điều tốt đẹp cho năm mới, nhìn về quá khứ, vươn đến tương lai. Với người dân ở Kênh nhiêu Lộc- Thị Nghè họ cũng đang chờ một mùa xuân tốt lành, trong trẻo đang đến.
Phan Cường
Bình luận