Tết trên đất Nhật
Qua Nhật từ năm 2014 theo diện du học sinh tính đến nay cũng được hơn 10 năm, anh Trần Thanh Long hiện đang làm giám đốc mảng du lịch Việt - Nhật của công ty SUN SHINE chi nhánh tỉnh Saitama (Nhật Bản). Do tính chất công việc nên anh hầu như luôn phải đón tết xa quê.
"Năm nay lại một cái Tết nữa nơi xứ người. Dù không phải lần đầu tiên nhưng cảm xúc của tôi thì vẫn như bao lần trước, nhớ gia đình, bạn bè và không khí quen thuộc ở quê nhà", anh Long chia sẻ.
Anh Long cho biết, không giống như Việt Nam, Tết Nguyên Đán không phải là ngày lễ lớn ở Nhật Bản. Nước này chú trọng vào lễ Tết Oshougatsu, diễn ra vào ngày 1/1 Dương lịch. Tuy nhiên, những người con Việt Nam sống và làm việc ở đây vẫn giữ nét truyền thống của mình.
"Chúng tôi những người Việt ở gần nhau thường tổ chức các buổi gặp mặt, cùng nhau làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, muối dưa hành,... cùng nhau đón chờ khoảnh khắc giao thừa và đi chùa cầu may đầu năm", anh Long chia sẻ.
Tuy Nhật Bản ngày nay đón năm mới vào Tết Dương lịch, nhưng người dân nước này vẫn duy trì một số nét văn hóa truyền thống trong ngày đầu năm Âm lịch như đi chùa cầu may, hay làm các mâm cơm truyền thống (osechi ryori).
"Có lần tôi cùng các anh chị em đồng nghiệp đến ngôi đền gần công ty tham gia lễ hội đón thời khắc giao thừa và thưởng thức osechi ryori cùng người dân Nhật Bản. Cảm giác được hòa mình vào không khí Tết ấm áp trên đất nước khác cũng là một trải nghiệm rất đáng nhớ đối với tôi", anh Long kể.
Cũng vì truyền thống đón năm mới giữa hai nước khác nhau mà sau 4 năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, Vũ Việt Chinh chưa một lần có cơ hội về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình.
Việt Chinh hiện đang làm trong một công ty may mặc ở tỉnh Gifu, cô chia sẻ: "Năm đầu tiên đón Tết xa nhà em cảm thấy rất buồn, nói đúng hơn là vô cùng tủi thân. Mình vẫn nhớ giao thừa năm đó phải làm ca đêm và không thể gọi điện về nhà, dù biết bố mẹ mình cũng rất mong ngóng được trò chuyện với con trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Cảm giác thật khó tả. Tuy là con gái nhưng mình rất ít khi rơi nước mắt nhưng đêm đó mình không thể kìm lại được, chỉ biết vừa làm vừa lau nước mắt. Đến tận bây giờ mình vẫn không thể quên được cái cảm xúc lúc đó".
Việt Chinh cho biết vì người Nhật không còn chú trọng Tết Âm lịch nên những ngày này thường không được náo nhiệt và nhộn nhịp, hầu hết mọi người vẫn đi làm bình thường. Tuy vậy, cô vẫn cố gắng chuẩn bị cho mình một cái Tết xa xứ nhưng "chuẩn vị quê hương".
"Vì vẫn phải đi làm và điều kiện cũng không cho phép nên mình không chuẩn bị được nhiều, nhưng món ăn truyền thống như bánh chưng, mứt, giò, nem thì không thể thiếu", cô gái Việt nói.
Việt Chinh cho biết thêm nơi cô sống và làm việc ở vùng nông thôn nên có ít người Việt, nhưng cũng vì thế mà mọi người thân thiết và khăng khít hơn. Những năm không phải làm đêm, mọi người thường tụ họp cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thông ngày Tết của người Việt, trang trí nhà cửa, cùng nhau xem Táo quân.
Cuộc sống chẳng dễ nơi xứ người
Theo anh Long, cuộc sống của người lao động nơi xứ người không bao giờ tồn tại từ sung sướng hay dễ dàng, mà là sự đánh đổi. Anh nói: "Người lao động luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thành quả chỉ đến với những chăm chỉ và vượt qua được áp lực".
Nhớ lại những ngày đầu bước chân sang Nhật, anh Long cho biết phải gánh theo trên vai một khoản nợ ngân hàng không nhỏ để đến mảnh đất này.
"Đó có thể là một thách thức, nhưng cũng là một động lực mạnh mẽ để tôi phấn đấu làm việc chăm chỉ, kiên trì và tiết kiệm để có thể trả nợ và đạt được mục tiêu của mình", anh chia sẻ.
Chàng giám đốc trẻ khi đó làm việc bán thời gian tại một công ty vận chuyển hàng hóa cách nhà khoảng 7 km vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật. Công việc của anh chủ yếu là phân loại hàng hóa và bốc vác lên các xe hàng theo khu vực chỉ định. Sau khi kết thúc công việc vào lúc 6h sáng, anh quay về nhà ăn sáng, tắm rửa trước khi tiếp tục công việc lên trường của mình.
"Nhớ lại vào dịp Tết, trong khi bạn bè xung quanh đang sum họp cùng nhau nấu ăn, tổ chức làm tiệc thì tôi lại đến giờ cùng chiếc xe đạp của mình đi tới công ty trong thời tiết giá lạnh âm độ. Nhiều khi cũng tủi thân nhưng đó là trách nhiệm của tôi đối với công việc và gia đình nên tôi đã có động lực để vượt qua", anh Long kể. "Thời gian cứ thế trôi qua, hết 4 năm đầu tôi bắt đầu kết thúc công việc học tập để xin vào công ty làm việc trở thành nhân viên chính thức. Cuộc sống của tôi thay đổi từ đây".
Còn đối với Việt Chinh, khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi sang Nhật là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát. Cô nói: "Mình sang Nhật cuối năm 2019, được vài tháng thì dịch bùng phát. Công ty hết việc và cũng lây lan dịch nên bọn mình phải nghỉ mất gần 2 tháng và không được hỗ trợ gì. Khoảng thời gian đó thực sự khó khăn về chi tiêu".
Khó khăn không dừng lại ở đó, sau khi dịch bệnh lắng xuống thì Việt Chinh cũng như nhiều lao động Việt khác phải đối mặt với áp lực từ việc đồng yên Nhật mất giá.
Cô cho biết: "Lương khi đi xuất khẩu lao động thì cũng không phải quá cao trong khi đó phải chi trả rất nhiều thứ từ nhà cửa, điện nước... đặc biệt là rất nhiều khoản thuế khi sống và làm việc tại Nhật Bản.
Thời điểm mình sang đồng yên có tỉ giá 1 yên bằng 210 đồng nhưng hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 165 đồng. Tiền mất giá nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước Nhật lại tăng khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng tăng theo. Hơn nữa, tỉ giá yên thấp nên số tiền ít ỏi dành dụm đổi thành tiền Việt gửi về cho gia đình cũng bị giảm theo".
Nơi Tết chẳng đến
Tỉnh Ishikawa nằm ở ven biển miền trung Nhật Bản, là nơi trải qua trận động đất kinh hoàng hồi đầu năm nay gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Anh Đặng Xuân Sơn, một công nhân cơ khí người Việt ở thành phố Kanazawa (tỉnh lỵ của Ishikawa), cho biết năm nay Tết có thể không đến với các cộng đồng người Việt ở tỉnh này.
"Thảm họa quá kinh hoàng. Mất mát tài sản và tổn thương tâm lý quá lớn. Đừng nói là ngay giữa tâm chấn mà những khu vực lân cận cũng chẳng ai có tâm trạng đón Tết", anh Sơn nói.
Thu Phương hiện đang làm công việc may quần áo cho một xưởng thời trang ở thành phố Nanao (tỉnh Ishikawa), một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất 7,6 độ. Tròn một tháng sau thảm họa kinh hoàng, cô cho biết tình hình hiện tại vẫn vô cùng khó khăn, nhà xưởng chưa thể hoạt động lại, điện nước vẫn lúc có lúc không, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
"Lúc này thực sự chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến Tết. Công việc đình trệ nên không có lương. Xưởng may và nhà ở hư hỏng nặng, bọn mình đang chuẩn bị để chuyển đến tỉnh khác để làm việc tạm thời một thời gian", Thu Phương chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm xảy ra trận động đất, Thu Phương cho biết các đợt rung lắc mạnh kèm sóng thần đổ ập vào thành phố phá hủy gần như toàn bộ nhà cửa. Bản thân cô gái Việt cũng suýt bị sóng cuốn đi, rất may cô đã leo được lên xe của một người Nhật lánh nạn.
"Sau những gì đã trải qua, hiện mình chỉ mong một năm mới được bình an, mạnh khỏe và cuộc sống nhanh chóng quay trở lại như trước", Thu Phương nói.
Bình luận