• Zalo

Tết cổ truyền theo dương lịch: Những lý lẽ thuyết phục

Thời sựThứ Năm, 16/01/2014 07:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhà xã hội học, Tiến sỹ Phạm Bích San hoàn toàn ủng hộ việc gộp Tết Tây – Tết ta với những lý lẽ, lập luận rất riêng.

(VTC News) - Nhà xã hội học, Tiến sỹ Phạm Bích San hoàn toàn ủng hộ việc gộp Tết Tây – Tết ta với những lý lẽ, lập luận rất riêng.

Chuyên đề "Đón Tết cổ truyền theo dương lịch" khởi đầu bằng bài viết của Giáo sư Võ Tòng Xuân trên VTC News đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong thời gian qua.


Mới đây, Giáo sư Võ Tòng Xuân lại cho rằng sắp tới lúc đón Tết cổ truyền theo dương lịch vì hiện đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách đón Tết dương lịch và âm lịch.

Tiến sỹ Phạm Bích San (Ảnh: Minh Quân)
Tiến sỹ Phạm Bích San (Ảnh: Minh Quân) 
“Thực tế đang có nhiều nơi đón Tết theo lịch dương vì thời gian Tết âm lịch, họ đã có lịch thực hiện các dự án hợp tác với nước ngoài”, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho  biết.


Trước thềm Tết Giáp Ngọ 2014, Tiến sỹ Phạm Bích San – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Ông San cho hay: “Tôi rất ủng hộ việc gộp Tết Tây và Tết ta vào làm một vì như vậy chúng ta hội nhập với thế giới. Nếu chúng ta nghỉ một thời gian rất dài và lệch với thế giới, chúng ta sẽ mất rất nhiều cơ hội.

Không chỉ gộp Tết Tây với Tết ta, nhiều người còn đề xuất có khi chúng ta phải đẩy cả múi giờ lên 1 giờ nữa để phù hợp với thị trường chứng khoán Singapore, Hong Kong… Tôi hoàn toàn đồng ý vì tôi cho rằng làm vậy có thể chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Tôi không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng bản thân tôi khi thực hiện các hợp đồng sản xuất, tôi thấy rất cần phải gộp hai cái Tết lại thành một, hòa nhập với thế giới.

Mỗi lần cả nước nghỉ ăn Tết cổ truyền, toàn bộ quá trình sản xuất đều bị thay đổi. Sau một kỳ nghỉ Tết cổ truyền dài dằng dặc và cách ăn Tết truyền thống, nhiều người rất khó khăn mới trở lại với công việc được.

Chúng tôi – những người ủng hộ gộp Tết Tây, Tết ta – vẫn rất tôn trọng lập luận của những người phản đối rằng Tết cổ truyền đã trở thành truyền thống từ bao đời nay của dân tộc ta. Thế nhưng, tôi cũng xin nhắc lại rằng, nhiều dân tộc trên thế giới cũng có Tết cổ truyền khác với Tết Tây như chúng ta, nhưng rồi họ cũng chuyển sang ăn Tết Tây.

Lấy ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… người dân ở đó chấp nhận ăn theo Tết Tây. Còn với Tết cổ truyền của đất nước họ, họ vẫn có lễ kỷ niệm, nhưng ai có thời gian thì kỷ niệm cái Tết đó. Như vậy việc đón Tết cổ truyền hay không là tùy vào mỗi người, còn theo tôi chính sách nhà nước thì nên hội nhập thế giới.

 

Tôi cũng xin nhắc lại rằng, nhiều dân tộc trên thế giới cũng có Tết cổ truyền khác với Tết y như chúng ta, nhưng rồi họ cũng chuyển sang ăn Tết Tây


 
Tất nhiên, khi gộp Tết Tây – Tết ta, bỏ thói quen đón Tết cổ truyền, nhiều thứ sẽ thay đổi. Tôi nghĩ, các lễ hội đầu năm như lễ hội đền Trần sẽ bớt đông người đi và bớt tệ nạn. Chưa kể, nếu gôp hai cái tết lại thành một thì sẽ tiết kiệm hơn về mặt kinh tế.


Tôi thật sự cho rằng chúng ta chỉ nên ăn một cái Tết thôi thì sẽ không bị mất cơ hội với quốc tế. Nên nhớ khi chúng ta nghỉ người khác làm, hoặc khi chúng ta làm, người khác nghỉ thì sản phẩm chúng ta/họ làm ra biết chuyên chở, bán cho ai?

Ngoài ra, khi người khác muốn làm mà chúng ta lại nghỉ, nhiều người sẽ mất công ăn việc làm, mất cơ hội phát triển.

Vẫn biết thay đổi thói quen là việc cực khó, khó nhất trong tất cả mọi chuyện vì người ta có câu non sông khó đổi, bản tính khó dời mà.

Tuy nhiên, thực hiện việc thay đổi thói quen đón Tết cổ truyền của người dân Việt Nam như thế nào, lộ trình ra sao, có lẽ nên để các nhà hoạch định chính sách tính toán, đề xuất. Chúng tôi không thể, không nên làm thay việc của họ”.

Minh Quân
(ghi)
Bình luận
vtcnews.vn