(VTC News) - Trưởng bản Hoàng Văn Nhính cho biết, suốt 10 năm qua kể từ khi thành lập bản Na Sàng (Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên), người dân ở đây chỉ dùng nước để ăn uống, sinh hoạt trực tiếp từ khe suối.
Bản Na Sàng (Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên) được hình thành từ năm 1981 đến nay với gần 100% người dân tộc Mông sinh sống. Người dân ở đây còn nghèo, nguồn sống chủ yếu từ việc trồng lúa, trồng ngô, trồng chè và trồng rừng trên núi cao. Cả bản có 16 hộ dân, một số nằm rải rác tại các triền núi chứ không quần tụ nên sự đi lại giao lưu với nhau cũng thêm khó khăn.
Không khí Tết nguyên đán vẫn chưa về với bà con người H'Mông tại bản Na Sàng trong những ngày áp Tết (Ảnh: Trần Vũ)
Bản Na Sàng trong những ngày áp Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012 hầu như chưa có một chút “không khí Tết” nào vì theo anh Hoàng Văn Nhích, Trưởng bản Na Sàng thì thu nhập của mỗi hộ dân Na Sàng trung bình chỉ 420.000 - 450.000 đồng/hộ/tháng, không đủ điều kiện sắm Tết sớm.
Theo anh Nhính, hộ nào ăn Tết to nhất cũng chỉ có vài con gà, thịt con lợn với vài chục miệng ăn trong mấy ngày Tết. Mỗi gia đình hầu như chỉ quây quần bên nhau từ ngày 30 tháng Chạp tới mùng 3 tháng Giêng là hết Tết.
Thanh niên trong bản có thể đến các bản, các xã khác vui chơi nhưng người già thì quanh quẩn ở nhà vì bản Na Sàng ở trong rừng sâu, núi cao cũng chẳng biết chỗ nào mà chơi.
Một điều khó tin được Trưởng bản Hoàng Văn Nhính cho biết là những người dân ở Na Sàng từ ngày thành lập bản đến nay không có nước sạch hợp vệ sinh để ăn uống và sinh hoạt. Nguồn nước mà họ dùng suốt 10 năm qua chính là nước tự nhiên chảy từ khe suối.
“Hộ nào có điều kiện một chút thì làm ống dẫn nước từ đầu nguồn về, hộ dân nào ở xa thì phải đi hơn 1,5km gánh nước từ đầu nguồn trên núi, có hộ thì dùng thẳng luôn nước ở khe suối. Từ năm 1981 dân bản về đây đã dùng nước như thế rồi!” – anh Nhính nói.
Trưởng bàn Na Sàng buồn buồn kể, với thu nhập khoảng 420.000 - 450.000 đồng/hộ/tháng thì bà con dân bản ở đây không đủ điều kiện để “làm” nước sạch mà dùng (xây bể, lắp ống dẫn nước về từng nhà…).
Anh Nhích đã đại diện bà con đề nghị cấp chính quyền nhiều lần là giúp bà con xử lý nguồn nước để bà con có nước sạch dùng nhưng chưa có hồi âm khả quan, chỉ được “hứa” là… “dần dần sẽ có”.
Hộ dân nào có điều kiện thì xây bể trên nương chè để dẫn nước từ nguồn trên núi về bể chứa, nước từ bể được dẫn theo vòi xuống nhà để dùng trực tiếp trong ăn uống, sinh hoạt (Ảnh: Trần Vũ)
Cũng theo anh Nhích, vì dùng nước khe suối chưa qua xử lý nên hầu hết người dân trong bản đều bị táo bón, tiêu chảy, ốm đau. “Bác sĩ nói đó là do nguồn nước chưa hợp vệ sinh và cũng do cách sinh hoạt của bà con ” – Trưởng bản Na Sàng cho biết.
Theo một người dân ở đây thì lâu nay, dân bản vẫn chăn thả trâu bò lợn gà ở đầu nguồn nước khiến chúng thải ngay xuống nguồn nước và bà con vẫn “vô tư” dùng - đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị bệnh. Dân bản cũng biết việc này mất vệ sinh nhưng "phải chịu" vì không có điều kiện xử lý, “chẳng lẽ lại… nhịn dùng nước!”.
Điều mà người dân trong bản Na Sàng thấy bất công và vô lý, theo anh Hoàng Văn Nhính, là có một dự án xử lý nước sạch từ nguồn nước ở Na Sàng cho người dân xã Phú Đô dùng, nhưng chính người dân ở Na Sàng thì lại không được dùng nguồn nước sạch này!
Mong muốn của người dân ở bản Na Sàng là được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ người dân làm bể xử lý nước và làm đường ống dẫn nước sạch tới nhà dân.
“Bởi với khoảng cách từ nguồn nước đến bản cách 1,5km, khoảng cách giữa các nhà dân cũng xa nhau vài trăm mét thì việc từng hộ dân kiếm được đủ tiền để tự xử lý nước sạch hiện rất khó khả thi” – anh Nhích nói.
Kiều Minh
Bình luận