(VTC News) - Ở trích dẫn trước, chúng tôi đã đưa ra những phân tích rất sắc sảo của cố giáo sư Trần Quốc Vượng về cách gọi tên Tết và Tết Nguyên đán.
Trong trích dẫn thứ 2 này, chúng tôi xin gửi tới độc giả những phân tích, phản biện khoa học... chứng minh cho việc Tết Nguyên đán hay chúng ta quen gọi là Tết Âm ngày nay không hẳn là một sáng tạo của riêng người Hoa như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ.
Bác Hồ cũng không đồng ý bỏ Tết
Không gian văn hóa – xã hội của Tết Nguyên đán là Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Cả Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đã có những thời kỳ dài tuyên bố chính thức bỏ cái Tết này vì điều kiện sinh hoạt theo lịch mới Âu Tây – gọi là Dương lịch.
Ở Việt Nam lẻ tẻ có ý kiếnbỏ lịch cổ truyền và bỏ Tếtnhưng Bác Hồ không đồng ý, và nhân dân cũng phản ứng mãnh liệt. Ở Việt Nam lẻ tẻ có ý kiến bỏ lịch cổ truyền và bỏ Tết nhưng Bác Hồ không đồng ý, và nhân dân cũng phản ứng mãnh liệt. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng
Nước ta chưa bao giờ bỏ Tết, dù đã chính thức dùng Dương lịch trong các công sở, cơ quan Nhà nước từ hàng trăm năm nay. Điều đó chứng tỏ với thời gian và văn hiến nghìn năm, cái tết đã hằn sâu trong tâm thức dân gian Việt Nam.
Nhiều nơi ở nước ta, nhất là trong nhân dân đô thị, người ta đã “quên” dần tết Hàn Thực, tết Cơm mới, cả tết Đoan Ngọ nữa. Nhưng tết Nguyên Đán và tết Giữa Thu thì cả đô thị lẫn nông thôn đều không bỏ. Cho dù là những nhân tố ngoại sinh thì chúng đã được hội nhập hoàn toàn vào cấu trúc văn hóa Việt Nam.
Cội nguồn của Tết
Ai cũng biết, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là những vùng “ngoại biên” của văn minh Trung Hoa và chịu ảnh hưởng đậm đà theo những khía cạnh khác nhau, với những nồng độ khác nhau, độ sâu nông khác nhau và những góc khúc xạ khác nhau của văn minh Trung Hoa.Cố giáo sư Trần Quốc Vượng
Một cái Tết chung cho cả 4 nước trên dễ cho người ta cảm nhận Tết đó vốn có cội nguồn Trung Hoa.
Trong các tộc người thuộc cộng đồng quốc gia Việt Nam, tộc Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa sớm nhất và mạnh nhất và cũng “văn hiến” nhất. Có sự giao thoa văn hóa Việt Nam (cả cưỡng bức và tự nguyện) qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, bắt đầu từ hàng thế kỷ trước công nguyên, rõ dệt nhất là thời Hán Vũ đế (111 tr CN). Nhưng Tết trước hết là Tết của người Việt.
Cái lịch cổ truyền “kiến Dần” (lấy tháng Giêng – tháng Dần – là chính sóc, đầu năm mới) cũng mới bắt đầu ở Trung Hoa từ Hán Vũ đế (140 tr CN).
Người ta bảo: đấy là sự trở lại lịch nhà Hạ. Nhưng nhà Hạ bên Trung Hoa vẫn còn là “huyền thoại”, hiện chưa có sự nhất trí trong việc xác định “văn hóa Hạ” và “nhà nước Hạ”. Giới khỏa cổ chỉ biết tương đối chính xác về đời Thương – Ân, văn hóa Thương - Ân, nhà nước Thương – Ân cùng những “mảnh vụn” lịch can chi Thương – Ân.
Nhà Ân “kiến Sửu” (lấy tháng mười hai theo lịch bây giờ là chính sóc); Nhà Chu “kiến Tý” (lấy tháng mười một làm đầu năm). Lịch ta gọi tháng mười một là tháng “Một” phải chăng là một “vang bóng” muộn màng trong lời nói về cái lịch đời Chu này?
Giữa văn hóa Thương – Chu và văn hóa Việt cổ, đã có quan hệ giao lưu: trong nhiều di tích văn hóa Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng (đầu thời đại đồng bốn nghìn - ba nghìn năm cách ngày nay), đã tìm thấy qua đá, liễm đá – có phong cách Ân. Nhưng cội nguồn của văn hóa Thương – Ân còn là vấn đề thảo luận, có người cho gốc phương Nam Tày – Thái cổ, có người cho có ảnh hưởng Babylone…
Lịch Mường cổ truyền, so với lịch Việt “kiến Dần” là “ngày lui – tháng tới” cũng là lịch “kiến Sửu” của Thương - Ân.
Nhà Tần thống nhất Trung Hoa, dùng lịch “kiến Hợi” (lấy tháng mười làm tháng đầu năm). Nhà Hán lên (206 tr CN) ban đầu vẫn theo lịch Tần đến Hán Vũ đế (140 tr CN) mới theo lịch “kiến Dần”, bảo là khôi phục lịch nhà Hạ, “hành Hạ chi thời” theo Nho giáo.
Trong một bài viết về lịch Việt Nam đăng trên Tạp chí khoa học xã hội đại học Tổng hợp Hà Nội 1988, tôi cho rằng đấy không phải là lịch nhà Hạ mà là sự tham khảo “Kinh Sở tuế thời ký” của miền Kinh Sở ở Hoa Nam trong bối cảnh của nền văn minh lúa nước.
Âm dương lịch là sự phối kết lịch can – chi Hoa Bắc và “lịch 12 con vật” của miền Việt cổ (Bách Việt). Do đó tôi mệnh danh nó là lịch Việt – Hoa.
Cái Tết như được xác định vào thời điểm hiện tại là nương theo lịch này, do vậy có thể gọi là Tết Việt – Hoa.
Âm dương lịch là sự phối kết lịch can – chi Hoa Bắc và “lịch 12 con vật” của miền Việt cổ (Bách Việt).
Các vua nhà Hán – như Vũ đế, người quyết định thi hành lịch này – gốc ở đất Bái, nước Sở thuộc Giang Nam, vùng văn hóa lúa nước chứ không phải ở vùng văn hóa ke mạch Hoa Bắc.
Sang thời Hán cho đến nay, trung tâm sản xuất nông nghiệp, vựa thóc chính của Trung Hoa là Hoa Nam trồng lúa nước chứ không phải Hoa Bắc trồng lúa mạch. Cho đến những thập kỷ gần đây, Hoa Nam vẫn phải cung cấp lương thực cho Hoa Bắc. Bởi vậy từ đời Hán, lịch – mà chức năng chính là để xác định thời vụ sản xuất nông nghiệp – là phải nương theo khí hậu thời tiết miền Hoa Nam Bách Việt cổ. Cái Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hóa Việt – Hoa. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng
Tóm lại, cái Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hóa Việt – Hoa.
Văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ bình nguyên hoàng thổ Hoàng hà, cùng với sự bành trướng của người Hoa xuống phương Nam, đã tích tụ và hội nhập nhiều nhân tố văn hóa phương Nam, miền Việt cổ. Lâu dần, với văn tự và thư tịch Trung Hoa, mọi nhân tố văn hóa Việt cổ ấy đã được xem là của người Hoa và đã được “Hoa hóa”.
Về sau, người ta gán mọi thành tựu sáng tạo văn hóa cho người Hoa. Sự thực văn minh Trung Hoa là kết quả tích tụ và kết tinh nhiều nhân tố văn hóa của nhiều tộc người – Hoa và phi Hoa - ở vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Trích “Văn hóa Tết và Tết Văn hóa” của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Hà Thành
Bình luận