• Zalo

Tết ai cũng muốn về nhà mình, sao không chia đôi, ai về nhà nấy?

Đời sốngThứ Tư, 24/01/2018 13:00:00 +07:00Google News

Tôi trộm nghĩ, Tết ai cũng muốn về nhà mình, sao không ai về nhà nấy vừa khỏe, vừa thoải mái.

Việc về nhà nội hay nhà ngoại ăn tết là do truyền thống văn hóa, tình cảm, quan hệ mỗi gia đình quyết định. Nhưng cũng phải cân bằng giữa hai bên nội ngoại để tránh những mâu thuẫn không đáng có. Tết đến ai cũng muốn về nhà mình, thế sao không chia đôi “quân”: Ai ăn Tết nhà nấy vừa khỏe, vừa thoải mái lại đỡ khó xử nhỉ.

Liên quan tới lời khuyên này, tôi cũng muốn kể với các bạn hai câu chuyện như sau.

Câu chuyện thứ nhất, Vân bạn tôi là một cô gái quê Thái Bình hiền lành, chân chất, mộc mạc đúng kiểu gái quê. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô bén duyên với một anh chàng gốc Hà Nội rồi nghe anh ở lại đây luôn do cả hai đang có công việc ổn định và thu nhập tốt.

Ngay sau đám cưới, Vân lờ mờ đoán ra bố mẹ chồng cô không thích mình vì gia cảnh nhà Vân không được điều kiện như bên chồng. Sau khi cưới được 4 tháng thì Vân đón cái tết đầu tiên ở nhà chồng. Năm đó, vợ chồng cậu em trai cũng từ nước ngoài về nhà nội ăn tết luôn. Và cái tết ấy của Vân qua đi trong nước mắt do cô luôn bị mẹ chồng so sánh với em dâu và coi như người thừa trong mấy ngày tết.

Nhiều lần Vân bắt gặp cả nhà đang cười nói vui vẻ bỗng im lặng khi thấy cô. Những bữa sáng không ai gọi Vân dậy ăn vì đó là đồ ăn sáng do em dâu mua về. Cỗ bàn ngày tết một tay Vân nấu nướng, dọn dẹp nhưng thường xuyên bị chê không ngon, bị chê là hương vị nhà quê.

Ngay ngày mồng 1 cô đã ngồi khóc trong nhà tắm khi đang phải rửa đống bát cho cả nhà chồng ngồi cười nói vui vẻ ở gian trên. Vân ước gì mình đừng lấy chồng quá sớm hoặc lựa chọn một gia đình điều kiện tương đối thôi thì bây giờ cô không phải khóc trong nước mắt ngay tết đầu ở nhà chồng.

Câu chuyện thứ hai là của một gia đình ngay sát vách nhà tôi. Nhà đó hiện giờ có đôi vợ chồng trẻ, 1 đứa con và 1 bà cụ già đang sinh sống. Nói chuyện qua loa với nhau thì tôi biết căn nhà đó là do bố mẹ cô vợ mua tặng khi cô đi lấy chồng. Vì vậy anh chồng chỉ là ở nhờ nhà vợ nơi thành phố mà thôi.

Bà già thì là mẹ anh chồng, người quê Nam Định cũng đã nhiều tuổi. Thương con dâu và cũng nghĩ nhà mình nghèo không có của cải gì cho con trai, bà đã luôn cố gắng làm hết thảy việc nhà, rồi việc chăm cháu. Cô con dâu ngày nào cũng chỉ về tắm rửa, ăn uống, chơi với con rồi đi ngủ.

Nhưng mấy tết nay tôi không thấy đôi vợ chồng này về quê ăn tết bao giờ mà chỉ thấy mỗi bà già lụi cụi quê thắp hương tổ tiên. Một lần tiện xe đưa bà ra bến, tôi hỏi vì sao con dâu và con trai không đưa bà về thì bà khóc.

Hóa ra nhiều năm nay đôi vợ chồng này chưa về ăn Tết với bà và thắp hương cho bố ở quê. Lý do là bởi cô con dâu sợ về quê nhà dơ, không vệ sinh, tốn kém. Cô chỉ muốn về ngoại vì ở đấy đủ các điều kiện mà cô ấy cần. Biết con trai sống nhờ nhà vợ vô cùng khó xử nên bà chẳng dám ép, dù nhiều lần anh con vì đòi về với mẹ mà cãi nhau sống chết với vợ.

Qua câu chuyện thứ nhất, tôi thấy Vân đã cố gắng làm trọn bổn phận con dâu nhưng không được nhà chồng công nhận. Có lẽ cô ấy sẽ hạnh phúc hơn nếu được về Thái Bình đón tết cùng cha mẹ mình. Nhưng chỉ vì câu nói của mẹ chồng “Lấy chồng theo chồng“ mà Vân không làm khác được.

Còn chuyện thứ hai thì không thể chấp nhận nổi cô con dâu nhà này. Đành rằng không ăn tết với mẹ chồng thì cũng nên đưa bà về quê, thắp hương cho bố rồi đi ngay cũng chẳng ai cấm. Hoặc nếu không thì để anh con trai cách một năm lại về làm tròn bổn phận của mình. Đổi ngược lại, nếu mà mẹ cô ấy phải côi cút ở quê ăn tết một mình thì thế nào cô cũng nhảy dựng lên chứ không hiền lành như anh chồng được.

Cuối cùng, điều tôi muốn nói ở đây là: Chúng ta dù ở cương vị, vai, trò, giới tính nào cũng xuất thân từ một gia đình. Ông bà ngoại hay ông bà nội đều phải mang nặng, đẻ đau, chăm bẵm, nuôi nấng chúng ta. Vì thế ai cũng mong có một cái tết đoàn viên cùng con cái.

Tôi trộm nghĩ, ai cũng muốn về nhà mình ăn Tết, sao không chia đôi “quân”: Ai ăn Tết nhà nấy vừa khỏe, vừa thoải mái mà lại không cãi vã. Để những câu chuyện khóc trong nước mắt ngày tết vì giữ thể diện cho nhau không còn xảy ra nữa. Nếu một năm không thể về cả hai bên thì năm nay về nhà nội, năm sau về nhà ngoại, cứ thế luân phiên nhau. Nếu có ưu tiên thì nên xét hoàn cảnh từng nhà chứ không phải cứ Tết là phải ở nhà nội.

Cuộc sống với mỗi người luôn phải chọn lựa và cân bằng nhiều thứ lắm. Việc về quê đón Tết với gia đình ngoại hay nội chỉ là một trong số ấy. Không gì quý giá hơn những giây phút được quây quần, sum họp cùng ăn những bữa cơm thân mật, ấm cúng với ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình của chính mình.

Thùy Dung
Bình luận
vtcnews.vn