Nikola Tesla, nhà phát minh người Mỹ gốc Serbia được cho là thiên tài lập dị tiên phong trong một số tiến bộ khoa học kỹ thuật thế kỷ 20 như đài phát thanh, động cơ, đặc biệt là công nghệ điện xoay chiều.
Tuy nhiên, ngoài những phát minh nổi trội, ông còn cho ra đời một số phát kiến kì lạ chưa bao giờ được chế tạo. Ngày nay khi nhìn lại, chúng ta thấy được tầm nhìn vĩ đại của nhà khoa học này.
Điện không dây
Khi làm việc với radio, lò vi sóng và tạo ra cuộn cảm Tesla, ông đã nghĩ về khả năng tạo ra hệ thống truyền dẫn không dây nhằm phân phối năng lượng trên khoảng cách rộng.
Năm 1901, ông nhận được tài trợ từ nhà tài chính J.P. Morgan để xây dựng nhà máy điện không dây cao hơn 56 m ở Shoreham, Long Island, New York với tên gọi Tháp Wardenclyffe.
Ngoài việc truyền tin nhắn qua Đại Tây Dương, Tesla mong muốn tòa tháp sẽ là cơ sở phát điện thắp sáng toàn bộ thành phố New York. Không may, Morgan quyết định ngừng tài trợ không lâu sau. Không tìm được nguồn kinh phí khác, Tesla từ bỏ dự án chỉ sau vài năm.
Máy bay chạy điện vận tốc siêu âm
Sau thất bại của Tháp Wardenclyffe, Tesla chuyển hướng sang ngành hàng không. Với kiến thức uyên bác về kỹ thuật điện và cơ khí, ông cố gắng phát triển chiếc máy bay siêu thanh chạy bằng điện.
Năm 1919, viết trên tạp chí Reconstruction, Tesla cho hay chiếc máy bay này có thể vận chuyển hành khách từ New York đến London chỉ trong ba giờ. Theo ông, năng lượng cho những chiếc máy bay tốc độ cao này là không giới hạn, vì chúng được nhận từ các nhà máy điện.
Tesla đã lên kế hoạch sử dụng thiết kế truyền năng lượng không dây của mình cho các máy bay trên. Nếu thành công, nó sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc phương tiện bay phải mang theo nhiên liệu trên toàn cầu. Đáng tiếc, dự án cũng không được hoàn thành.
Robot hình người
Năm 1898, Tesla tham gia trình diễn tại một triển lãm điện ở Madison Square Garden, New York. Đó là một chiếc thuyền điều khiển từ xa bằng radio, thứ một số người thời đó xem là vũ khí điều khiển từ xa đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, Tesla nhìn thấy tiềm năng của thiết kế chiếc thuyền ở khía cạnh khác, coi đó là bước đầu tiên hướng tới sự phát triển một loại robot tự động có thể làm hầu hết công việc nặng nhọc cho công nhân. Ông gọi mô hình của mình là “Telautomaton” và đề nghị cung cấp phát minh này như vũ khí cho chính phủ Mỹ và Anh.
Ngày nay, ý tưởng này của Tesla được nhiều người xem là tiên phong cho ngành khoa học robot. Số khác cho rằng ông đã đi quá xa so với thời đại và các ứng dụng thực tế đã không được khám phá cho đến vài thập kỷ sau.
Camera đọc ý nghĩ con người
Tại một số thời điểm, Tesla muốn phát minh ra cỗ máy có thể đọc được suy nghĩ mọi người và chiếu ra dưới dạng phim ảnh.
Trong bài báo xuất bản năm 1933, ông tiết lộ một trong những dự án ông đã thực hiện nhiều năm qua là chế tạo thiết bị chụp ảnh tư tưởng con người. Lần đầu nghĩ ra ý tưởng này vào năm 1893, ông tin rằng hình ảnh đã hình thành trong suy nghĩ được phản ánh trên võng mạc, sau đó có thể được xem hoặc chụp lại. Điều này có thể do ông bị ảo giác từ nhỏ và có thể nhìn thấy những hình ảnh mà mình tưởng tượng ra.
Tesla chưa bao giờ có đủ tiền để chế tạo chiếc máy ảnh tư tưởng như ông nghĩ. Nhưng các nhà khoa học ngày nay đã khám phá ra cách chuyển đổi tín hiệu não thành hình ảnh một người nghĩ ra trong tâm trí họ.
Máy tạo động đất
Năm 1893, Tesla xin cấp bằng sáng chế cho bộ dao động cơ học chạy bằng hơi nước mà ông thiết kế để rung lên xuống tốc độ rất cao nhằm tạo ra điện.
Vài năm sau, năm 1898, ông nói với các phóng viên rằng cỗ máy dao động khiến mặt đất rung chuyển trong khi ông đang điều chỉnh nó tại phòng thí nghiệm của mình ở New York.
Cảnh sát và xe cứu thương đã đến hiện trường nhưng Tesla đã vô hiệu hóa bộ dao động và giả vờ không biết về những gì thực sự xảy ra. Ông cũng tiết lộ cỗ máy tạo động đất thậm chí có thể đánh đổ tòa nhà Empire State.
Thủy triều nhân tạo
Tesla tin rằng khoa học nắm giữ chìa khóa trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột và chiến tranh trong tương lai.
Năm 1907, New York World tiết lộ đề xuất của Tesla sử dụng sóng radio kích nổ bom trên biển, điều sẽ đồng thời kích hoạt sự hình thành sóng thủy triều lớn có khả năng lật úp hạm đội tàu địch.
Cụ thể, sóng thủy triều nhân tạo sẽ khiến hải quân trở nên vô dụng, giống như những chiếc thuyền giấy trôi nổi trong bồn tắm. Một số người lúc đó coi đây là công cụ giúp nhân loại tiến gần hơn đến hòa bình thế giới vì tính huỷ diệt khủng khiếp của nó có thể tiêu diệt cả 2 bên tham chiến nên không bên nào dám gây chiến.
Tuy sóng thuỷ triều chưa bao giờ được thực hiện, ý định phát triển vũ khí đủ mạnh để đóng vai trò như công cụ răn đe chiến tranh đã xuất hiện vài năm sau đó, chính là vũ khí hạt nhân.
Tia tử thần
Vào những năm 1930, Nikola Tesla khi đó đã ở độ tuổi 70. Chia sẻ với New York Times, ông cho biết đã phát minh ra thứ có thể khiến đội quân hàng triệu người chết trong chớp mắt.
Công nghệ này gia tốc hạt thuỷ ngân nhanh hơn 50 lần so với tốc độ âm thanh trong buồng chân không, tạo ra một chùm tia mạnh mẽ có thể “bắn hạ 10.000 máy bay của đối phương ở khoảng cách hơn 400 km”.
Vũ khí quân sự này được gọi là “Tia tử thần”, nhưng bản thân Tesla vẫn thích gọi là “Tia hòa bình”, vì có thể giúp các nước chống xâm lược.
Ông cố gắng tìm một chính phủ sẵn sàng tài trợ cho việc xây dựng tia tử thần, và quốc gia duy nhất tài trợ cho ý tưởng của ông là Liên Xô. Các cuộc thử nghiệm diễn ra vào cuối những năm 1930, song không rõ có thành công hay không vì ông qua đời không lâu sau đó.
Nhiều người xem Tesla là nhà khoa học điên rồ. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng ông xuất sắc hơn hết thảy những nhà phát minh nổi tiếng khác trong thời đại của mình như Thomas Edison hay Alexander Graham Bell.
Sau khi Tesla qua đời, những thành tựu khoa học ít được biết đến của ông không có đủ sự công nhận trong nhiều năm. May mắn thay, nhiều phát kiến và ý tưởng của ông đã được đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây. Công chúng từ đó đánh giá cao hơn di sản mà cha đẻ dòng điện xoay chiều đã để lại.
Bình luận