Đã một thời thị trường Miền Nam nổi danh thương hiệu “xà bông Cô Ba” của thương gia Trương Văn Bền. Thậm chí, tên tuổi xà bông Cô Ba còn vượt qua biên giới, nổi danh ở xứ Miên, Lào…
Kem đánh răng Dạ Lan cũng là thương hiệu Việt “lẫy lừng” một thời. Ra đời 1988 kem đánh răng Dạ Lan là kết quả hợp tác giữa kỹ sư Lưu Trung Nghĩa và Cơ sở sản xuất Sơn Hải. Với chất lượng tốt, giá cả hợp túi tiền người Việt Nam thời bấy giờ nên được tiêu thụ mạnh từ các đô thị lớn cho đến nông thôn.
Tuy nhiên, sau một thời gian gây tiếng vang và tạo được chỗ đứng trên tốt trên thị trường thì những thương hiệu tiên phong cho nền công nghiệp sản xuất tiêu dùng Việt Nam lại không đủ sức để vượt qua sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.
Hầu hết những thương hiệu Việt lẫy lừng một thời đều trở nên yếu thế rồi biến mất một cách đáng tiếc. Thực tế cho thấy, sau những thương vụ nhượng quyền thương hiệu và hợp tác kinh doanh với giá trị lớn trong thời kỳ đầu đổi mới - mở cửa làm ăn, các thương hiệu Việt đã nhanh chóng lép vế và chết yểu ngay trong “trứng nước” trước sức mạnh của các tập đoàn nước ngoài.
Một loạt thương hiệu Việt khác, cũng đã và đang mất dần tên tuổi, như bánh trung thu Đồng Khánh, bia Laser, ngói Hương Canh, Xá xị Chương Dương, Vang Thăng Long…
Trong khi đó, nhiều DN nổi danh từ thế kỷ trước giờ đây đã được nhà nước thoái hết vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 như Xe đạp Thống Nhất, Dệt 19/5, Dệt Minh Khai, Xích líp Đông Anh, Kim khí Thăng Long… lại đang rơi vào khó khăn trước áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những tên tuổi này vốn đứng đầu ngành hàng một thời đang phải chật vật giữ chỗ đứng và tìm lại hào quang một thuở cho mình nhưng rất khó khăn.
Trái ngược với xu hướng trên, vẫn có những tên tuổi “một thời vang bóng” đã nhanh chóng lột xác phát triển. Hiện nay, không ít tên tuổi cũ qua quá trình đổi mới DN đã đạt lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Hầu hết các DN này ngoài quản trị tốt, sản phẩm cạnh tranh cao thì đều có mặt trong nhóm các DN đi đầu về đổi mới và minh bạch của thị trường.
Ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước, bóng đèn Điện Quang đã trở thành một tên tuổi gắn bó với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt Nam. Đến nay, Điện Quang hiện vẫn duy trì được vị thế nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng hàng đầu cả nước.
Bước ngoặt khiến Điện Quang “ngược chiều” so với các thương hiệu Việt vàng son mộ thuở là DN được CPH sớm. Năm 2005, Điện Quang được CPH; 2008, Điện Quang lên sàn HOSE với mã DQC. Đây chính là áp lực và điều kiện để DN đưa mọi hoạt động công khai, minh bạch trước sự giám sát của cổ đông và thị trường.
Năm 2008, khi mới lên sàn, doanh thu của DN chỉ đạt 390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn là 1,6 tỷ đồng. Năm 2009, 2010, 2011 lợi nhuận công ty đã tăng nhanh, lần lượt đạt 5,2 tỷ đồng, 45,4 tỷ và 39,2 tỷ đồng.
Năm 2013, Điện Quang, bứt phá đạt doanh thu 800 tỷ, lợi nhuận sau thuế vượt 123 tỷ đồng. Năm 2014, lần đầu tiên, Điện Quang gia nhập câu lạc bộ những DN có doanh thu ngàn tỷ trên sàn chứng khoán với doanh thu năm lên tới 1.229 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp đôi đạt 242 tỷ đồng.
Năm 2015, DQC doanh thu 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 210 tỷ. Năm 2016, lợi nhuận vẫn đạt ở mức 204 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, Điện Quang vẫn được thị trường định giá là thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn hoá nghìn tỷ, cụ thể đạt 1.171 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh với DQC là rất lớn khi không chỉ có các đối thủ như Rạng Đông, Philips và nhiều công ty nhỏ lẻ khác trên thị trường mà đáng ngại nhất là hàng Trung Quốc. Ông Hồ Quỳnh Hưng Chủ tịch DQC cho biết, Trung Quốc hiện là nước sản xuất LED lớn nhất trên thế giới, và tình trạng dư cung trong nước buộc các DN nước này phải tìm đầu ra ở các thị trường bên ngoài. Vì thế, để khẳng định chỗ đứng của mình, DQC đang tập trung cho chiến lược dài hạn là chiếm lĩnh thị trường trong nước, đẩy lùi hàng Trung Quốc và các sản phẩm kém chất lượng.
Ông Hưng cho rằng, với các DN Việt thì quy mô thị trường nội địa 100 triệu dân thì không có lý do bỏ qua thị trường trong nước. Tuy nhiên, để làm điều đó, bắt buộc DN phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu các sản phẩm mới với tính năng vượt trội, áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất như các sản phẩm smartlighting.
Video: Chủ thương hiệu Khánh Casa tát nhân viên nữ
Cùng "thế hệ vàng son” với Điện Quang, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket với nhãn hiệu mì hai con tôm đã có tuổi đời 45 năm. Mới đây Colusa - Miliket đã được niêm yết trên sàn UpCom. Dù vẫn tồn tại và có lãi song Colusa - Miliket đang ở thế kẹt so với những tên tuổi khách trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 459 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm xuống chỉ còn 20 tỷ đồng. Colusa - Miliket được thị trường định giá vốn hoá 166 tỷ đồng.
Và để tìm lại hào quang xưa trước những tên tuổi lớn trong một lĩnh vực cạnh tranh cao nhưu mỳ tôm thì Colusa – Miliket gần đây cũng đang xốc lại mình với những kế hoạch mới đầy tham vọng nhằm chấm dứt một giai đoạn 'dẫm chân tại chỗ' nhìn đối thủ vượt qua.
Một tên tuổi khác là Cao Sao Vàng giờ đây còn nổi danh ra thế giới. Trên trang điện tử eBay, một hộp Cao Sao Vàng được bán với giá 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc ở Việt Nam. Sản phẩm này nhận được nhiều phản hồi tốt và thường cháy hàng trên các website mua bán như eBay hay Amazon. Tuy nhiên, vấn đề của Cao Sao Vàng là cần đổi mới và đa dạng sản phẩm, tăng cường khả năng tiếp thị để cạnh tranh mạnh mẽ hơn là dựa vào một danh tiếng của một thời đã qua.
Bình luận