• Zalo

Tên lửa Triều Tiên sắp rời bệ phóng

Thế giớiThứ Tư, 11/04/2012 03:14:00 +07:00Google News

(VTC News)- Triều Tiên hôm nay khẳng định đang nạp nhiên liệu cho tên lửa. Nhiều khả năng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đích thân bấm nút khởi động tên lửa.

(VTC News)-Triều Tiên hôm nay khẳng định “tên lửa mang vệ tinh thời tiết đã được nạp nhiên liệu và sắp rời bệ phóng”. Nhiều khả năng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đích thân bấm nút khởi động tên lửa.

Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn nguồn tin Sở chỉ huy vệ tinh tổng hợp Triều Tiên cho biết, tên lửa Ngân Hà–3 (Unha-3) đang được nạp nhiên liệu để chuẩn bị cho việc mang vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) vào quỹ đạo Trái đất.

Quang cảnh họp báo tại Sở chỉ huy vệ tinh tổng hợp Triều Tiên. Ảnh: Chinanews 

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo News của Nhật Bản, quân đội Nhật đã thành lập Phòng chỉ huy đặc biệt để theo dõi toàn bộ quá trình phóng tên lửa của Triều Tiên. Phòng chỉ huy sẽ nằm trong Trung tâm xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Nhật. Trước đó, Tổng tư lệnh quân đội Nhật Bản tuyên bố sẽ giám sát tên lửa Triều Tiên 24/24 và sẵn sàng “bắn hạ những vật thể bay xâm phạm không phận Nhật Bản”.

Kyodo News cũng cho hay, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đích thân bấm nút khởi động tên lửa đang bị Mỹ và một số đồng minh coi là “tên lửa đạn đạo trá hình”. Các quan chức cấp cao Nhật Bản sẽ có mặt tại phòng họp đặc biệt của Nội các Nhật Bản trước 7 giờ sáng mai, 12/4 để “sẵn sàng cho cuộc họp an ninh khẩn cấp với Thủ tướng nếu tên lửa Triều Tiên được khởi động”.

Tính tới thời điểm này, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Nga tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa Triều Tiên để bảo vệ lãnh thổ nước mình. Ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho hay, lãnh đạo Bộ đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ để bàn cách thức hợp tác nhằm đối phó với vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như các nỗ lực chung bảo vệ Hàn Quốc.

Hàn Quốc coi kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên là
“hành động thiếu thận trọng, đầy tính khiêu khích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ “bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Hàn Quốc”.

Sau Nhật, Hàn, ngày 2/4, chính quyền Đài Loan cho biết sẽ triển khai hệ thống phòng không bắn hạ bất kỳ mảnh vỡ tên lửa nào có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Mỹ cũng đã chuẩn bị hệ thống phòng thủ đa tầng có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong trường hợp tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay chệch quỹ đạo (khi đó có thể chạm tới bờ tây của Mỹ).

Mập mờ ngày phóng tên lửa

Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo Sở chỉ huy vệ tinh tổng hợp Triều Tiên nói: “Nhiên liệu được nạp vào tên lửa cần một quá trình tổng hợp nhất định. Thời gian cụ thể của việc phóng tên lửa sẽ do cấp trên của chúng tôi quyết định”. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không tiết lộ cụ thể thời gian hoàn thành việc nạp nhiên liệu.

Trong số các nước phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Nga tỏ ra mềm mỏng nhất khi tuyên bố: “Chúng tôi không phản đối quyền được sở hữu vệ tinh thời tiết của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nghị quyết số 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”. Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng “chấm dứt mọi vụ phóng có sử dụng đến công nghệ tên lửa đạn đạo, dù đó là tên lửa có mục tiêu quân sự hay tên lửa dân sự”.

Quỹ đạo bay dự kiến của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: AFP 

Ở góc độ nhìn nhận khác, hãng tin CNN trích lời chuyên gia về an ninh quốc tế Jim Walsh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định, vụ phóng tên lửa chẳng qua là để củng cố vị thế của tân lãnh đạo Kim Jong Un: “CHDCND Triều Tiên đang trải qua thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử của mình. Ở đó có một lãnh đạo trẻ và thông điệp của vụ phóng tên lửa là nhằm vào dư luận trong nước”.

Lập luận của Jim Walsh được một số nhà phân tích ở Trung Quốc chia sẻ khi cho rằng, những hoạt động gần đây của Triều Tiên ngoài việc kỷ niệm hai nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, thì mục đích lớn nhất là tạo dựng hình ảnh cho tân lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP 

Theo những tài liệu liên quan, Triều Tiên cung cấp hệ tọa độ cho thấy tầng thứ nhất của tên lửa sẽ rơi xuống khu vực cách bờ biển phía tây của Hàn Quốc khoảng 140 km, tức là trong vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tầng thứ hai của tên lửa sẽ rơi xuống vùng biển cách miền bắc Philippines khoảng 190 km về phía đông.

Vệ tinh Quang Minh Tinh-3 nặng 100 kg và sẽ bay theo một quỹ đạo đồng bộ với quỹ đạo mặt trời tại độ cao 500 km. Một quan chức cấp cao giấu tên của Ủy ban Khoa học Công nghệ Không gian Vũ trụ Triều Tiên cho biết tuổi thọ tối đa của vệ tinh này là hai năm.

Bình Nhưỡng khẳng định lần phóng vệ tinh này nhằm mục đích hòa bình và không ảnh hưởng gì tới các nước láng giềng.

 Trong diễn biến khác, Thông tấn xã Triều Tiên KCNA hôm nay, 11/4, đưa tin ông Kim Jong Gak được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang nhân dân, tức Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng vừa bổ nhiệm ông Choe Ryong-hae – một nghị sỹ Đảng Lao động Triều Tiên, và quan chức quốc phòng cấp cao Hyon Chol-hae vào chức Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân.

Văn Việt - Đỗ Hường

Bình luận
vtcnews.vn