• Zalo

Tên lửa TOW và nguy cơ chiến tranh ủy nhiệm Mỹ-Nga

Thế giớiThứ Hai, 04/01/2016 07:22:00 +07:00Google News

Tên lửa BGM-71 TOW Mỹ cung cấp cho phe nổi dậy Syria đóng vai trò bất ngờ trong việc định hình chiến trường Syria và nhen nhóm chiến tranh ủy nhiệm Mỹ-Nga.

(VTC News) - Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW do Mỹ cung cấp cho phe nổi dậy Syria đang đóng vai trò bất ngờ trong việc định hình chiến trường Syria và nhen nhóm chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.

Washington Post đưa tin, tên lửa BGM-71 TOW do Mỹ chế tạo đã được giao theo một chương trình bí mật kéo dài 2 năm giữa Mỹ và các đồng minh nhằm giúp nhóm Quân đội Tự do Syria trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, việc Nga tham chiến và hỗ trợ ông Assad đã khiến những vũ khí Mỹ cấp cho phe nổi dậy đóng thêm vai trò quan trọng hơn so với dự tính ban đầu.
Xe quân đội Lebanon bắn tên lửa TOW-II ở làng Taybeh, miền đông Lebanon ngày 10/6. Ảnh: AP
Xe quân đội Lebanon bắn tên lửa TOW-II ở làng Taybeh, miền đông Lebanon ngày 10/6. Ảnh: AP 
Tên lửa BGM-71 TOW hoàn thành vai trò của mình thành công đến mức phe nổi dậy đặt cho nó cái tên “Assad Tamer” (có nghĩa là “Kẻ thuần hóa Sư tử”) – một lối chơi chữ bởi từ Assad còn mang nghĩa là sư tử.
Gần đây, BGM-71 TOW cũng phát huy hiệu quả trong việc làm chậm các cuộc tấn công do Nga hậu thuẫn nhằm chiếm lại đất từ phe nổi dậy.
Khi quân đội Syria phát động cuộc tấn công đầu tiên với sự hậu thuẫn của quân đội Nga, hàng chục đoạn video xuất hiện trên YouTube cho thấy quân nổi dậy bắn tên lửa BGM-71 TOW vào xe tăng và xe bọc thép mà Nga hỗ trợ cho quân chính phủ.
"Đó là cuộc thảm sát xe tăng", Đại úy Mustafa Moarati thuộc nhóm nổi dậy Tajamu al-Izza mô tả.
Nhóm này tiết lộ nhiều tên lửa mà các đồng minh hứa hẹn đang trên đường tới Syria kể từ khi Nga triển khai quân đội ở Syria.
Cuộc chiến giữa phe nổi dậy và quân đội Syria cũng nhấn chìm Washington vào cái gọi là “Chiến tranh ủy nhiệm” với Moscow, mặc dù ông Obama đã khẳng định "sẽ không biến Syria thành chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga." (Chiến tranh ủy nhiệm là xung đột gián tiếp giữa các cường quốc đối địch thông qua lực lượng thứ ba).
"Cuộc chiến tranh ủy nhiệm này chỉ là sự tình cờ," ông Jeff White từ Viện Chính sách Cận Đông Washington nói. "Trong kho vũ khí của phe nổi dậy tình cờ chứa nhiều tên lửa TOW. Các cuộc tấn công của quân chính phủ cũng vô tình có sự trợ giúp của Nga. Tôi không cho rằng cuộc chiến tranh ủy nhiệm này được sắp đặt từ trước".

Chương trình tên lửa TOW do CIA giám sát được tiến hành từ đầu năm 2014 với mục tiêu vực lại các cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Assad bằng cách huấn luyện binh lính, cung cấp vũ khí hạng nhẹ, đạn dược và các tên lửa chống tăng. Nhờ đó, quân nổi dậy dù chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ vẫn có thể chống chọi với xe tăng và thiết giáp hạng nặng vốn là lợi thế của quân chính phủ.
Các tên lửa chủ yếu được lấy từ các kho tích trữ của Ả Rập Xê Út, vận chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và được đóng dấu của CIA. Đây là một phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của chính quyền Obama ở Syria – buộc Tổng thống Assad chấp nhận đàm phán và từ bỏ quyền lực.
Tuy nhiên, kế hoạch này mới chỉ gây áp lực quân sự vừa đủ để thuyết phục Tổng thống Assad thỏa hiệp, nhưng chưa đủ để khiến chế độ của ông sụp đổ, để lại khoảng trống quyền lực nguy hiểm ở Damascus.
Thêm vào đó, việc quân đội Nga can thiệp để vực dậy cuộc đấu tranh của quân đội Syria hoàn toàn nằm ngoài dự tính của CIA.
Không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu đầu tiên Nga không kích ở Syria lại là các địa điểm mà phe nổi dậy được trang bị tên lửa TOW chiếm ưu thế và đe dọa trực tiếp nhất đến thành trì Latakia của Tổng thống Assad, các quan chức và các nhà phân tích quân sự Mỹ nhận định.
Video: Nga không kích IS mạnh mẽ ở Syria
Hiện chưa rõ liệu các tên lửa TOW có thể thay đổi diễn biến cuộc chiến hay không, nhưng khi Nga ngày càng không kích mạnh mẽ và hiệu quả ở Syria, TOW chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn chặn bước tiến của quân chính phủ.
Phe nổi loạn đã kêu gọi cung cấp tên lửa Stinger hoặc loại tương đương để chống lại các mối đe dọa mới từ việc Nga không kích, nhưng các quan chức Mỹ nói điều đó là không thể.
Chính quyền Obama từng nhiều lần phủ quyết các yêu cầu cung cấp tên lửa phòng không của phiến quân cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập vì quan ngại những vũ khí này có thể rơi vào tay khủng bố.
Tuy nhiên, chương trình tên lửa TOW hiện vẫn đang và sẽ tiếp tục vận hành và không cần sự phê chuẩn từ chính quyền Obama, cựu cố vấn Lầu Năm Góc Shahbandar nói. "Chính phủ Mỹ không cần bật đèn xanh, đèn vàng là đủ. Đó là một nỗ lực ngầm và có thể bị phủ nhận, nhưng đó mới là bản chất của chiến tranh ủy nhiệm.”

Phong Linh (Theo Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn