• Zalo

Tên lửa phòng không Stinger mà Ukraine được viện trợ có gì đặc biệt?

Quân sựThứ Sáu, 11/02/2022 08:38:23 +07:00Google News

Để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, các nước Estonia, Latvia and Litva quyết định cung cấp cho Kiev tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger.

Các biến thể chính

Stinger là một hệ thống phòng không cá nhân do công ty General Dynamics của Mỹ phát triển. Hệ thống này được đưa vào trang bị cho quân đội Mỹ năm 1981 và hiện có trong trang bị của các lực lượng vũ trang 30 quốc gia. Cho đến nay, đã có 70.000 tên lửa được sản xuất.

FIM-92 Stinger là tên lửa đất đối không dài 1,52 m, đường kính 70 mm, trọng lượng toàn bộ 15,2 kg (bản thân tên lửa nặng 10,1 kg), tầm bắn từ 1.000 đến 8.000m, kíp chiến đấu 2 thành viên, có thể được triển khai nhanh chóng trên các nền tảng quân sự trong tình huống chiến đấu. Tên lửa FIM-92B cũng có thể được bắn từ xe quân sự M-1097 Avenger, M6 Linebacker, Humvee Stinger... Một phiên bản sử dụng từ trực thăng có tên là Air-to-Air Stinger (ATAS).

Tên lửa phòng không Stinger mà Ukraine được viện trợ có gì đặc biệt? - 1

Hệ thống phòng không cá nhân Stinger hiện có trong trang bị của quân đội 30 quốc gi. (Ảnh: warspot.ru)

Dễ mang vác và vận hành, tên lửa Stinger đã cải thiện hiệu suất chống lại các mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như máy bay không người lái và tên lửa hành trình cho các lực lượng cơ động cao. Stinger đã chứng minh khả năng chiến đấu trong bốn cuộc xung đột lớn và nhiều xung đột khu vực tại quần đảo Falklands, Afghanistan, Angola, Lybia, Chechen (Nga), Sri Lanka, Syria…

Các biến thể chính của Stinger FIM-92 MANPADS gồm FIM-92A - cơ bản; FIM-92B - Kỹ thuật tìm kiếm quang thụ động STINGER (Passive Optical Seeker Technique - POST); FIM-92C - Vi xử lý có thể tái lập trình (Reprogrammable Microprocessor - RMP); FIM-92D với khả năng chống nhiễu được nâng cao; FIM-92E - phần mềm điều khiển đã được sửa đổi, hiệu suất chống lại các mục tiêu nhỏ như máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng trinh sát hạng nhẹ.

Ngoài ra, còn có các phiên bản FIM-92F - một cải tiến sâu của FIM-92E; FIM-92G - một bản nâng cấp không xác định của biến thể D; FIM-92H - biến thể D đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn E; FIM-92I Block II - biến thể được phát triển dựa trên phiên bản E. Nhờ các cải tiến, khoảng cách phát hiện và khả năng chống nhiễu, tầm bay đã được tăng lên đáng kể. Mặc dù tên lửa đã đến giai đoạn thử nghiệm, chương trình bị loại bỏ vào năm 2002 vì lý do ngân sách. Phiên bản FIM-92J – là phiên bản nâng cấp tên lửa Block 1 nhằm thay thế các thành phần đã cũ để kéo dài thời gian sử dụng thêm 10 năm.

Các biến thể POST và RMP có một bộ dò tìm kép – hồng ngoại (IR) và cực tím (UV). Điều này cho phép nó phân biệt mục tiêu từ các biện pháp đối phó tốt hơn nhiều so với Redeye và FIM-92A, vốn chỉ có IR. Đầu đạn cũng được trang bị ngòi nổ gần để tăng hiệu quả chống lại các phương tiện bay không người lái; và phiên bản chế áp tên lửa phòng không - biến thể có thêm đầu dò radar thụ động, biến thể này cũng có thể được sử dụng để chống lại các thiết bị phát sóng radar.

Ngay sau khi phóng, xạ thủ có thể tự do ẩn nấp để tìm diệt các mục tiêu khác, từ đó tối đa hóa khả năng sống sót và hiệu quả chiến đấu. Stinger phục vụ trong các lực lượng vũ trang Litva từ năm 2002.

Hoạt động

Stinger được khởi động bằng một động cơ phóng nhỏ giúp đẩy nó ra một khoảng cách an toàn với xạ thủ trước khi châm ngòi động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn, giúp tên lửa đạt tốc độ Mach 2,2 (750 m/s). Phần đầu đạn nặng 3kg, chứa 1,02 kg HTA-3 (hỗn hợp của HMX, TNT và bột nhôm), được bọc trong một hình trụ titan pyrophoric, an toàn trước mọi bức xạ điện từ. Đầu đạn có thể được kích nổ bằng cách xuyên thủng mục tiêu, tác động vào mục tiêu hoặc tự hủy. Quá trình tự hủy xảy ra từ 15 đến 19 giây sau khi phóng.

Tên lửa phòng không Stinger mà Ukraine được viện trợ có gì đặc biệt? - 2

Stinger đã tham gia thực chiến trong bốn cuộc xung đột lớn và nhiều xung đột khu vực. (Ảnh: ethanjonesbooks.com)

Stinger sử dụng một bộ tìm kiếm thụ động, là một vũ khí "bắn và quên" không cần lái dẫn của người điều khiển sau khi bắn. Điều này cho phép người điều khiển Stinger ẩn nấp, di chuyển vị trí hoặc tấn công các mục tiêu khác ngay sau khi khai hỏa.

AN/PAS-18 là thiết bị ngắm ảnh nhiệt, giúp thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ trong điều kiện bóng tối hoàn toàn và trong điều kiện tầm nhìn giảm (do sương mù, bụi và khói). Thiết bị này được thiết kế để phát hiện cả máy bay cánh cố định và cánh quay ngoài tầm bắn tối đa của tên lửa Stinger. AN/PAS-18 hoạt động trong cùng vùng phổ điện từ với tên lửa Stinger và phát hiện bất kỳ nguồn hồng ngoại nào mà tên lửa có thể phát hiện được. Khả năng này cũng cho phép thực hiện một chức năng phụ là giám sát khu vực vào ban đêm. Trong điều kiện bầu trời quang đãng, kể cả ngày hay đêm, AN/PAS-18 có thể phát hiện máy bay cánh cố định ở độ cao lớn. Trong điều kiện tối ưu, khả năng phát hiện có thể vượt quá 20-30 km.

AN/PAS-18 kém hiệu quả nhất trong việc phát hiện máy bay cánh cố định ở độ cao thấp, lao thẳng về phía người điều khiển. Vì ống xả được giấu trong thân máy bay, máy bay có thể không bị phát hiện cho đến khi nó cách người điều khiển khoảng 8-10 km. Có trường nhìn 12x20 độ, cự li phát hiện của thiết bị tăng lên khi góc bay của máy bay thay đổi. AN/PAS-18 sẵn sàng hoạt động trong vòng 10 giây kể từ khi bật nguồn điện. Bộ thu được cung cấp bởi pin lithium có thời lượng hoạt động từ 6 đến 12 giờ.

AN/PAS-18 là thiết bị nhìn đêm thế hệ thứ hai và không có độ phân giải để đưa ra các quyết định nhận dạng máy bay. Tên lửa cũng xác định "bóng" UV của mục tiêu và sử dụng nhận dạng đó để phân biệt mục tiêu với các vật thể sinh nhiệt khác. Để khai hỏa, xạ thủ nhắm tên lửa vào mục tiêu và khi mục tiêu bị khóa, sẽ có một tín hiệu âm thanh đặc biệt phát ra. Tên lửa Stinger phiên bản mới nhất có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao 3.500 m với tầm bắn khoảng 8 km.

CTV Lê Ngọc(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn