KCNA cho biết hai tên lửa được phóng đã tấn công chính xác một mục tiêu cách bờ biển phía Đông của Triều Tiên 600 km. Trước đó, chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản ước tính loại tên lửa này chỉ bay được khoảng 420 km đến 450 km.
"Sự phát triển của hệ thống vũ khí này có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các mối đe dọa quân sự", ông Ri Pyong-chol, một lãnh đạo cấp cao giám sát vụ phóng, cho biết.
Theo các chuyên gia về tên lửa tại trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) có trụ sở tại California, đây có thể là loại tên lửa được Triều Tiên công bố trong một cuộc duyệt binh hồi tháng 10 năm ngoái.
Nếu đúng như vậy, thì tên lửa được phóng hôm 24/3 có thể là phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23 đã được thử nghiệm trước đó, theo chuyên gia Jeffrey Lewis của CNS.
KN-23 là một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của Triều Tiên, được thử nghiệm lần đầu vào tháng 5/2019. KN-23 có bề ngoài tương tự với tên lửa Iskander-M SRBM của Nga, khiến các nhà phân tích tranh cãi liệu loại vũ khí này có được phát triển với sự trợ giúp của nước ngoài hay không.
Ông Lewis cho biết việc Triều Tiên đưa ra loại tên lửa với đầu đạn nặng 2,5 tấn có thể là phản ứng trước tuyên bố của Hàn Quốc hồi tháng 8 năm ngoái rằng tên lửa Hyunmoo-4 SRBM của nước này có "trọng tải lớn nhất thế giới" là 2 tấn.
Các nhà phân tích cho rằng tên lửa đạn đạo SRBM do Triều Tiên phát triển được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy SRBM có thể thực hiện "chế độ bay ở độ cao thấp", giúp loại vũ khí này khó bị phát hiện và bắn hạ hơn, theo KCNA.
Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên trong gần một năm trở lại đây. Mỹ đã lên án vụ phóng và cảnh báo hành động của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Bình luận