• Zalo

Tên huyện Hóc Môn có nghĩa là gì?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 07/11/2024 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tên gọi của huyện Hóc Môn đã có từ gần 150 năm trước, nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của cái tên này.

Huyện Hóc Môn nằm ở cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây sở hữu nhiều di tích lịch sử như Ngã ba Giồng, 18 thôn vườn trầu, Bảo tàng Hóc Môn... cùng nhiều di tích tôn giáo khác như chùa Hoằng Pháp, Chơn Đức thiền viện, đền Phan Công Hớn...

Tên huyện Hóc Môn có ý nghĩa gì?

Tên gọi huyện Hóc Môn đã có từ gần 150 năm trước, mang ý nghĩa là nơi hóc hẻm có nhiều cây môn.

Theo nhiều học giả, chữ “hóc” này vốn được viết bằng chữ Hán 曲 mà âm hiện hành là "khúc", có nghĩa là "quanh co", "gãy gập", và nghĩa rộng là "kẹt”, nghẽn”, “mắc xương”. Từ "hóc hẻm" dùng để chỉ những con đường, rạch nhỏ hẹp, cũng để chỉ những nơi xa xôi, vắng vẻ.

Hóc Môn vốn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng trịt, là thế mạnh về giao thông đường thủy, nhưng cũng gây không ít khó khăn. Nhận thấy địa thế như vậy nên người xưa đặt tên huyện có chữ "hóc".

Còn chữ “môn” có nghĩa là cây môn nước hay khoai nước, một loại cây rất phổ biến ở các vùng phía Nam. Tại TP.HCM cũng có nhiều địa danh mang yếu tố này như rạch Môn (Thủ Đức), cầu và rạch Bàu Môn, xóm Bưng Môn (Củ Chi)... Tên gọi Hóc Môn được cho là dùng để chỉ vùng đất có nhiều con rạch nhỏ với những cây môn nước.

Tên gọi huyện Hóc Môn đã có từ 150 năm trước. (Ảnh: Maisan Office)

Tên gọi huyện Hóc Môn đã có từ 150 năm trước. (Ảnh: Maisan Office)

Theo sách "Gia Định thành thông chí" của tác giả Trịnh Hoài Đức, năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn ra lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam và quyết định thành lập phủ Gia Định gồm huyện Phước Long và huyện Tân Bình.

Khi đó, vùng đất phía Nam dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, khu Hóc Môn chỉ là một vùng đất thuộc huyện Tân Bình, chưa có tên gọi. Từ năm 1698 đến 1731, nhiều người dân từ miền Bắc và miền Trung đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Đến đầu thế kỷ 19, tại một số thôn làng, thiên nhiên vẫn còn nhiều nét hoang dã, có cọp dữ và nhiều đầm môn nước mọc um tùm, cái tên "Hóc Môn" xuất hiện trong thời kỳ này. 

Tới năm 1885, Hóc Môn mới bắt đầu chính thức trở thành một quận hành chính thuộc tỉnh Gia Định. Lúc đó, quận Hóc Môn là một vùng đất rộng lớn gồm 4 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung, tức bao gồm phần lãnh thổ 3 quận huyện Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12 ngày nay.

Đến năm 1961, Hóc Môn lại sáp nhập với Gò Vấp thành quận Gò Môn. Năm 1969, Gò Môn nhập với một số xã của quận Củ Chi và chia lại thành 4 quận nhỏ, trong đó Hóc Môn được tách ra thành 2 quận: Đông Môn và Tây Môn. Năm 1972, quận Đông Môn và quận Tây Môn nhập thành lại quận Hóc Môn. Từ năm 1975, Hóc Môn được xác định là một trong 6 huyện ngoại thành của TP.HCM.

Huyện Hóc Môn ngày này có diện tích 109,17 km², dân số năm 2019 là 541.243 người. Về vị trí địa lý, phía đông huyện Hóc Môn giáp thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương với ranh giới là sông Sài Gòn, phía tây giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, phía nam giáp Quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, phía bắc giáp huyện Củ Chi.

Huyện Hóc Môn có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Hóc Môn và 11 xã: Bà Điểm, Đông Thạnh, Nhị Bình, Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Trung Chánh, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng.

Hoàng Hà(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn