Trước khi nộp đơn, làm thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam vào ngày 24/10, sàn thương mại điện tử Temu đã kịp "đại náo" thị trường. Hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan chức năng ghi nhận sàn thương mại này được phép hoạt động tại Việt Nam.
Trả lời PV Báo điện tử VTC News về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:
Pháp luật đã có quy định về việc bắt buộc phải đăng ký khi cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử và xử phạt hành vi không đăng ký khi cung cấp dịch vụ. Cụ thể tại điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hành vi “Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định này” là bị nghiêm cấm.
Tại điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, xử phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”.
“Mức phạt này là quá nhỏ đối với một doanh nghiệp bán lẻ xuyên biên giới có doanh thu nhiều tỷ USD như Temu. Đặt biệt là tổ chức đó lại có trụ sở tại nước ngoài nên áp dụng xử lý như vậy khó khả thi”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, hình thức phạt bổ sung là yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng trong kho ứng dụng không áp dụng với trường hợp chưa đăng ký ứng dụng với cơ quan Nhà nước như Temu. Nếu có gỡ bỏ ứng dụng trong các kho ứng dụng thì cơ quan có thẩm quyền phải liên hệ làm việc với Google hoặc Apple để xử lý.
Để xảy ra sự việc Temu bán rầm rộ mới bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động, theo luật sư Trần Tuấn Anh là do lỗ hổng quản lý. Việc chỉ đưa ra quy định cấm nhưng không đưa ra các giải pháp phòng bị dẫn tới việc trong một thời gian ngắn Temu đã có thể hoạt động một cách rầm rộ.
Luật sư Tuấn Anh nhận định thêm, những sản phẩm bán lẻ trên Temu có giá rẻ chủ yếu có giá dưới 1 triệu đồng, những sản phẩm được Việt Nam miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng qua đường chuyển phát nhanh. Các nhà bán lẻ có thể xé lẻ các đơn hàng có giá trị lớn hoặc ghi giá thấp hơn giá thực tế để tránh phải đóng thuế.
Những mặt hàng được miễn thuế, không bị kiểm tra chất lượng trước khi nhập khẩu cũng có nguy cơ gây mất an toàn. Ví dụ các sản phẩm đồ chơi trẻ em, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…có thể chứa các thành phần độc hại với hàm lượng các chất thôi nhiễm vượt quá giới hạn cho phép gây nguy hiểm đối với người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Theo luật sư, không chỉ Temu, hiện nay còn rất nhiều các ứng dụng mà người tiêu dùng có thể dễ dàng tải và cài đặt vào điện thoại và không bị cơ quan nào kiểm soát. Sau khi tải, cài đặt, người dùng chỉ cần một phương thức thanh toán quốc tế là có thể mua hàng trên các ứng dụng này mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
"Cơ quan quản lý Nhà nước đã chậm trễ trong việc xử lý sự việc này. Theo tôi được biết Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đưa ra đề xuất bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu hiện tại đối với các đơn hàng có giá trị dưới 150 euro. Lý do được đưa ra vì những sản phẩm bán lẻ từ Temu, Shein và AliExpress…đã áp đảo các nhà bán lẻ tại thị trường những nước này", ông Tuấn Anh nêu.
Dư luận hiện cũng không đồng tình khi nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký hoạt động đều phải nộp thuế, còn các nền tảng chưa/không đăng ký thì sẽ chưa/không nộp thuế, chưa/không chịu sự kiểm soát theo quy định Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra một cuộc chơi không công bằng, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ tuồn hàng giả, hàng nhái vào thị trường và gây thất thu thuế cho Việt Nam.
Bình luận