• Zalo

Tê tay: Nhiều người tưởng mỏi mà không biết đây có thể là dấu hiệu 4 bệnh sau

Bệnh và thuốcThứ Hai, 18/01/2021 06:13:00 +07:00Google News

Tê tay về cơ bản ai cũng từng gặp, nhiều người tưởng là do mệt mỏi, nhưng theo một số bác sĩ đây còn có thể là dấu hiệu của 4 bệnh.

Bệnh tiểu đường

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể thường gặp khó khăn khi di chuyển đường từ máu vào tế bào. Do đó, khi lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến sự tổn thương thần kinh. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường.

Đây là loại tổn thương thần kinh gây tê tay và chân. Các triệu chứng khác của bệnh lý thần kinh này có thể bao gồm: Đuối sức, mất thăng bằng và có cảm giác như kim chích. Do đó, khi tê tay thường xuyên thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra.

Thoái hóa cột sống

Cột sống của chúng ta rất dễ bị thoái hóa, trở nên yếu đi nếu như đốt sống thường xuyên cọ xát với các dây thần kinh. Khi mắc bệnh, mọi vận động của người bệnh đều trở nên khó khăn hơn, cuộc sống sinh hoạt và công việc thay đổi rất nhiều.

Họ sẽ phải chịu đựng nhiều cơn đau, ban đầu chúng xuất hiện ở cổ, vai rồi dần dần lan xuống các vị trí khác trên cơ thể, toàn thân đau nhức. Đặc biệt, bệnh nhân cũng cảm thấy tê tay theo chiều mà dây thần kinh đi qua, bạn tuyệt đối không nên chủ quan với tình trạng trên.

Tê tay: Nhiều người tưởng mỏi mà không biết đây có thể là dấu hiệu 4 bệnh sau - 1

(Ảnh minh họa)

Tai biến mạch máu não

Ở giai đoạn đầu của bệnh tai biến mạch máu não, người bệnh thường có triệu chứng tê tay. Do bệnh mạch máu não đã khiến chức năng cung cấp máu của các chi bị tắc nghẽn nên sẽ xuất hiện triệu chứng tê tay.

Ngoài ra, người bệnh còn thường xuyên đột ngột nhìn mờ một hoặc hai mắt. Tuy nhiên, tình trạng này xuất hiện trong thời gian ngắn. Trong trường hợp nghiêm trọng, có người không thể nói được rõ ràng, yếu hoặc tê đột ngột ở tay hoặc chân, đặc biệt là nếu chỉ ở một bên cơ thể.

Chứng rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp ở cổ của bạn sản xuất ra các hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone là dấu hiệu cho thấy tuyến giáp hoạt động kém dần hoặc suy giáp. Nếu tình trạng suy giáp không được điều trị, có thể làm tổn thương các dây thần kinh cảm giác của cánh tay và chân. Đây còn được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Chứng bệnh này có thể gây yếu, ngứa ran và tê tay chân của bạn.

Cần chú ý gì khi xử lý tê tay?

Vận động thường xuyên chống tê tay:

Đa số mọi người đều ngại cử động khi bị tê tay, đặc biệt là các động tác có sử dụng chân tay. Muốn thoát khỏi tình trạng này, bạn nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao. Bạn có thể chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe, có cường độ vừa phải. Mỗi ngày tập 30 phút với các môn thể thao như đi bộ, dưỡng sinh, yoga…

Bạn nên tránh ngồi, đứng quá lâu một chỗ

Nếu đi làm bạn nên đứng dậy đi lại sau 1 - 2 tiếng ngồi ghế. Thư giãn 5 – 10 phút sẽ giúp bạn giảm mệt mỏi lẫn tê chân tay. Chú ý không ngồi xổm, không cúi người mang vác vật nặng cũng như đi giày dép chật, giữ cho chân tay không bị lạnh quá.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng

Bạn cần chế độ đủ dinh dưỡng như ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, nhiều rau xanh và hoa quả để cung cấp vitamin cho cơ thể. Loại bỏ thực phẩm không tốt cho cơ thể như không ăn quá nhiều thực phẩm có cholesterol, không uống rượu, bia, hút thuốc lá … Vì các chất kích thích sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. thay đổi thực đơn ăn liên tục; ăn nhiều rau xanh và hoa quả nhằm bổ sung vitamin, đặc biệt bổ sung các loại vitamin có lợi cho máu như B1, B2, B6, B12…

Nhìn chung, hiện tượng tê tay có thể là tình trạng tạm thời, cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Đối với những người thường xuyên bị tê tay, bạn hãy sắp xếp thời gian đi kiểm tra sức khỏe ngay. Chúng ta không nên chủ quan với bất cứ hiện tượng lạ nào trên cơ thể, nếu không bạn sẽ khó phát hiện các vấn đề về sức khỏe của mình.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn