• Zalo

Tây Ninh xác định chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp - Nông thônThứ Tư, 13/12/2023 18:19:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tây Ninh xác định ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh là trọng tâm đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI xem phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Về giải pháp thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá, trong đó có chương trình về phát triển NNCNC.

Với 20 vùng định hướng các sản phẩm NNUDCNC đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ có khoảng 9.259 ha cây ăn trái, 900 ha mía, 275 ha lúa, 972.000 gà/năm, 10.000 bò sữa/năm, 40.000 lợn/năm được sản xuất tập trung.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lược đột phá của Tây Ninh.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lược đột phá của Tây Ninh.

Ngoài ra, sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường trong năm đạt 120.000 tấn trái cây, 75.000 tấn mía, 1.650 tấn lúa, 7.400 tấn thịt gà, 45.000 tấn sữa tươi, 9.200 tấn thịt heo mang lại giá trị trung bình từ 150 - 180 triệu đồng/ha sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khoảng 40 - 50%. 

Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong đó xác định xây dựng vùng NNUDCNC là nội dung trọng tâm để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hiện nay, nhiều địa phương trong nước đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển NNUDCNC, với những cách thức, quy mô đầu tư và kết quả đạt được ở các mức độ khác nhau. Một số địa phương bước đầu thành công trong việc quy hoạch vùng NNUDCNC và trở thành điểm sáng như TP.HCM, Lâm Đồng, Phú Yên...

Riêng Tây Ninh thực hiện UDCNC trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm, tuy nhiên với số lượng và quy mô nhỏ lẻ, nên chưa đủ điều kiện để hình thành quy hoạch vùng NNUDCNC.

Do đó, việc xây dựng “Đề án vùng sản xuất NNUDCNC tỉnh Tây Ninh” nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất NNUDCNC, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng NNUDCNC, trong đó giai đoạn 2022 - 2025 phát triển 9 vùng với (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.646,1 ha); giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7 ha, 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.000 ha).

Để đạt mục tiêu trên, Tây Ninh đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Đối với vùng đủ điều kiện công nhận vùng NNUDCNC, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về sản xuất NNUDCNC và những hiệu quả của việc đổi mới phương thức sản xuất trong xu thế hội nhập.

Từ đó vận động, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công nhận vùng NNUDCNC.

Đối với các vùng chưa đủ điều kiện công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (có khả năng phát triển thành vùng NNUDCNC), tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong vùng cải thiện thực trạng sản xuất để đạt 5 tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như kinh phí thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, NNUDCNC, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khuyến nông, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Cạnh đó, thực hiện các giải pháp về nguồn vốn, thông tin, tuyên truyền. Tây Ninh sẽ có giải pháp hỗ trợ sau khi được công nhận vùng NNUDCNC như xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực.

Đề án nêu rõ, thị trường tiêu thụ định hướng các sản phẩm sản xuất NNUDCNC của tỉnh chủ yếu qua 2 kênh tiêu thụ trong nước thông qua các hệ thống siêu thị (CoopMart, Bách hóa xanh, Vinmart và đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như sannongsan.tayninh.gov, shopee, tiki, sendo….

Và thông qua xuất khẩu với việc tận dụng các lợi thế thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc…).

Tỉnh phấn đấu sau năm 2025, diện tích vùng rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm chuyển sang phương thức canh tác, chăn nuôi UDCNC, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hàng năm.

Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 8.989,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 369 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 8.620,8 tỷ đồng.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn