Động thái “thu hồi” lại Catalan của chính phủ Tây Ban Nha được thực hiện trong ngày 28/10, ngay sau khi các nhà lập pháp chủ trương ly khai của Catalan thông qua tuyên bố độc lập ngày 27/10.
Thủ tướng Mariano Rajoy, hiện đang thay thế lãnh đạo Catalan Carles Puigdemont trở thành người ra quyết định hàng đầu cho khu vực phía Đông Bắc này, đã giải thể nghị viện khu vực và kêu gọi một cuộc bầu cử khu vực mới vào ngày 21/12.
Theo CNN, ông Rajoy cho rằng đây là các việc làm cần thiết để khôi phục lại sự hợp pháp sau khi cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp đã kéo dài trong nhiều tháng.
"Trong thời điểm này, chúng ta cần được thanh bình và thận trọng, nhưng chúng ta cũng cần phải tự tin rằng nhà nước có những công cụ, bằng luật pháp và lý trí, để đưa hòa bình và sự hợp lý trở lại với luật pháp đồng thời xóa bỏ mối đe dọa đối với nền dân chủ" - ông nói.
Theo AP, ông Puigdemont và 12 thành viên Nội các Catalan sẽ không còn được trả lương và có thể bị cáo buộc lạm quyền nếu từ chối chấp hành.
Cảnh sát trưởng khu vực Catalan, người cũng bị sa thải, đưa ra tuyên bố rằng ông sẽ tuân thủ theo các quy định. Các quan chức Catalan vẫn chưa có động thái hồi đáp nào sau quyết định này.
Video: Hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối Catalan đòi độc lập
Ngày 27/10, Nghị viện Catalan chính thức tuyên bố độc lập sau cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi. Đáp lại, trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ kể từ khi Catalan tuyên bố độc lập, Quốc hội Tây Ban Nha bỏ phiếu kích hoạt điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha sau cuộc họp khẩn cấp.
Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha cho phép quốc hội nước này sa thải toàn bộ chính quyền của 1 vùng tự trị, thiết lập chính quyền kỹ trị bao gồm các nhà khoa học và các chuyên gia ở mọi lĩnh vực, sau đó tổ chức cuộc bầu cử để lập ra chính quyền mới. Đây là lần đầu tiên Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha 1978 được kích hoạt.
Bình luận