Hôm 20 và 21/2, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, 2 tàu tuần duyên của Trung Quốc đã nhiều lần đi vào lãnh hải của Nhật Bản và đã có động thái tiếp cận, áp sát một tàu cá Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Cũng theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, ngay sau động thái này từ tàu Trung Quốc, các tàu thuộc lực lượng tuần tra Nhật Bản triển khai xung quanh tàu đánh cá để đảm bảo an toàn cho tàu cá nước này, đồng thời cảnh báo các tàu Trung Quốc rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, 2 tàu khác của Trung Quốc cũng được phát hiện đang di chuyển trong khu vực được gọi là tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải của Nhật Bản. Một trong các tàu này được cho có trang bị súng cỡ lớn.
Hồi giữa tháng 2, Tokyo đã gửi công công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh sau khi các tàu tuần duyên Trung Quốc áp sát tàu đánh cá của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong hai ngày liên tiếp.
Kể từ đầu năm, đây là lần thứ chín tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng biển của Nhật Bản và là lần mới nhất kể từ khi Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh vào đầu tháng này. Theo luật này, Trung Quốc cho phép lực lượng tuần duyên của nước này sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển do Trung Quốc kiểm soát và tuyên bố chủ quyền.
Hôm 19/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh sẽ càng đẩy khu vực vào bất ổn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington "quan ngại" với ngôn ngữ trong luật hải cảnh mới của Trung Quốc. Ông Price cho rằng từ ngữ được sử dụng trong luật hải cảnh có "ngụ ý mạnh mẽ luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển" .
James Brown, giáo sư quan hệ quốc tế từ trường Đại học Temple (thủ đô Tokyo) dự báo "tình hình leo thang nghiêm trọng" có thể xảy ra khi Bắc Kinh tìm cách củng cố các yêu sách lãnh thổ của nước này. “Bước tiếp theo, có thể người Trung Quốc lên tàu và bắt giữ bất kỳ ai trên tàu”, ông James Brown nói.
Bình luận