Liên quan tới thông tin tàu thăm dò Hải Dương 4 Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam gần đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 2/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng nêu rõ:
"Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)".
Trung Quốc thời gian qua liên tục gia tăng các động thái gây hấn trên Biển Đông trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực tập trung chống dịch.
Hồi đầu tháng 4, Reuters đưa tin tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống trở lại Biển Đông. Tàu khảo sát của Trung Quốc được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km.
Liên quan tới động thái này của Trung Quốc, bà Hằng khi đó khẳng định "các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông".
"Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Hồi tháng 7/2019, Trung Quốc từng bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt vì động thái tương tự. Sau 3 tháng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, con tàu rời đi hôm 24/10.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.
Anh cùng Pháp và Đức cũng đưa ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết các bất đồng trong khu vực này thông qua đàm phán.
Bình luận