Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết: “Nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào đang tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc xung đột này”.
“Những nỗ lực nhằm nâng cao năng lực của Mỹ vẫn tiếp tục, bao gồm cả việc nhanh chóng đưa các máy bay F-15, F-16 và A-10 của không quân Mỹ vào chiến trường để tăng cường cho các phi đội máy bay chiến đấu hiện có trong khu vực”, CENTCOM cho biết thêm.
Tướng Michael Kurilla, chỉ huy CENTCOM nói rằng việc triển khai các lực lượng quân sự hạng nặng tới khu vực là một tín hiệu răn đe mạnh mẽ đối với các thế lực thù địch.
Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ có thể đáp ứng “mọi yêu cầu mà đối tác Israel đưa ra”. Lầu Năm Góc đang “làm việc nhanh nhất có thể” để đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược và thiết bị “cực kỳ cần thiết”, cũng như liên hệ với các nhà thầu quân sự để đáp ứng đề nghị từ Israel. Trong khi chờ các chuyến hàng viện trợ từ Washington, Mỹ cũng “liên tục đối thoại với người Israel về kế hoạch hành động”.
Căng thẳng mới nhất ở Trung Đông bùng lên sau vụ tấn công ngày 7/10 của phiến quân Hamas trên lãnh thổ Israel. Các cuộc đụng độ và pháo kích đã khiến khoảng 900 người Palestine thiệt mạng và hơn 4.500 người bị thương, trong khi Isarel ghi nhận hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.400 người bị thương.
Israel tuyên bố phát động chiến tranh tổng lực và "sẽ trừng phạt Hamas ở mức độ chưa từng thấy". IDF đã huy động 300.000 quân dự bị và đề cập khả năng mở chiến dịch trên bộ nhằm vào dải Gaza.
Hamas cũng tuyên bố mới điều động 2.000 thành viên tham gia đợt tấn công Israel. Nhóm này khẳng định đã chuẩn bị kỹ và sẵn sàng cho mọi kịch bản, kể cả xung đột kéo dài.
Bình luận