(VTC News) – Việc Bắc Kinh tuyên bố hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên mới chỉ nhằm mục đích hướng tới biểu tượng chào mừng ngày quốc khánh (1/10) chứ chưa thực sự được đưa vào trực chiến như truyền thông đã đưa tin, theo Wantchinatimes hôm 13/8.
Tờ South China Morning Post – một nhật báo bằng tiếng Anh có trụ sở ở Hong Kong gần đây dẫn lời các nhà nghiên cứu đại lục cho biết tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang của nước này sẽ được sáp nhập vào các hạm đội hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Trung Quốc vào đúng ngày quốc khánh 1/10 tới.
Trong khi đó, Lin Yu-fang, một nhà làm luật người Đài Loan lại nhận định, dù thông tin trên có chính xác thì việc triển khài tàu Thi Lang mới cũng nhằm mục đích chính là để kỷ niệm ngày độc lập của Trung Quốc chứ chưa thể đi vào hoạt động vì hiện vẫn chưa có máy bay nào đậu hay cất cánh thử nghiệm từ con tàu này.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc |
Ngoài ra, cũng theo ông Lin, việc đưa tàu sân bay ra biển trực chiến không đơn giản vì nó còn đòi hỏi sự phối hợp với cả các tàu khu trục, lực lượng hải quân và nhiều tàu chiến khác.
“Một tàu sân bay không thể hoạt động đơn phương và nó cần thời gian để chuẩn bị các thiết bị hỗ trợ nhằm tạo thành một tổ hợp tác chiến hiệu quả và toàn diện.
Chính vì thế, Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài trước khi có thể biến con tàu Thi Lang trở thành “người hùng” trên mặt trận hải quân quốc gia”, Lin Yu-fang nói.
Theo nhà làm luật người Đài Loan, việc Trung Quốc tuyên bố đưa tàu sân bay đầu tiên vào trực chiến cũng còn nhằm mục đích phô trương sức mạnh hàng hải trên Biển Đông trong khi mâu thuẫn chủ quyền với các nước trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng căng thẳng.
Tàu Thi Lang Trung Quốc nguyên là tàu Varyang của Nga từ thời Liên Xô bán lại cho Ukraine, sau đó chuyển cho Trung Quốc vào năm 1998 với giá 20 triệu USD.
Hạ Giang
Bình luận